Ngày 2-10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hối thúc khu vực tư nhân đóng góp phần chính để đáp ứng các nhu cầu lớn về đầu tư khí hậu dành cho thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Trong blog mới công bố một chương trong Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu mới nhất, IMF cho rằng để đạt được các mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, cần đầu tư đáng kể cho các hoạt động giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, vốn đang phát thải khoảng 2/3 lượng khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu hiện nay.
Theo Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), đến năm 2030, những nền kinh tế này cần khoảng 2 ngàn tỷ USD mỗi năm để đạt được mục tiêu tham vọng nêu trên. Báo cáo của IMF lưu ý con số trên tăng 5 lần so với mức 400 triệu USD đầu tư khí hậu đã được hoạch định cho 7 năm tới. Trên cơ sở dự báo tăng trưởng đầu tư công sẽ bị hạn chế, IMF cho rằng lĩnh vực tư nhân sẽ phải là nguồn cung cấp khoảng 80% mức đầu tư nêu trên. Báo cáo của IMF nêu rõ cần có kết hợp chính sách trong nhiều lĩnh vực để tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn và mở đường cho khu vực tư nhân đầu tư cho tài chính khí hậu ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Trong một blog khác cũng đăng tải ngày 2-10, IMF cho rằng các nước vừa phải kiềm chế tình trạng ấm lên toàn cầu trong khi vẫn cần kiểm soát nợ công. Việc quản lý tốt quá trình chuyển đổi liên quan đến khí hậu đòi hỏi phải có hành động cân đối tài khóa với những chính sách đúng đắn. Theo IMF, các chính phủ đang phải đối mặt với bộ 3 thách thức khi vừa phải đạt các mục tiêu khí hậu, vừa đảm bảo ổn định tài khóa trong khi vẫn cần hiệu quả chính trị. Do đó, cơ quan này kêu gọi các chính phủ hành động mạnh mẽ, nhanh chóng và phối hợp tốt, tìm ra các gói biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên cơ sở cân đối thu - chi.
Về thị trường carbon, IMF nhấn mạnh không một biện pháp đơn lẻ nào có thể giúp thực hiện các mục tiêu khí hậu, việc định giá carbon là cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp để giảm khí thải. Báo cáo cho rằng, một đề xuất thực tế và cân bằng cần đi kèm với việc thiết lập giá sàn carbon quốc tế, phân biệt các quốc gia ở các cấp độ phát triển kinh tế khác nhau, đồng thời cho rằng doanh thu carbon liên quan nên được chia sẻ giữa các nước để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi xanh. Quá trình chuyển đổi công bằng cũng cần có các biện pháp chủ động hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình, người lao động và các cộng đồng dễ chịu tác động.
IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tìm cách cải thiện hiệu quả chi tiêu công và nâng cao khả năng tăng nguồn thu thuế bằng cách mở rộng cơ sở thuế và cải thiện các thể chế tài chính để giải quyết các thách thức trong lĩnh vực này. IMF nhấn mạnh, không quốc gia đơn lẻ nào có thể tự ứng phó với mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Chỉ riêng khu vực công cũng không thể làm được điều này mà cần có sự tham gia của khu vực tư nhân để lấp đầy khoảng trống trong các nhu cầu tài chính khí hậu.
TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin