Báo Đồng Nai điện tử
En

HLV Troussier đi lại con đường cùng Nhật Bản với bóng đá Việt Nam

Trần Đỗ - Yên Chi
09:01, 16/09/2023

HLV Philippe Troussier đã có 3 giải đấu cùng U.23 Việt Nam (Doha Cup, HCĐ SEA Games 32 và vòng loại Giải U.23 châu Á 2024), cùng 3 trận giao hữu toàn thắng với đội tuyển quốc gia (ĐTQG) trước Hong Kong, Syria và Palestine. Tuy nhiên, đã bắt đầu xuất hiện những hoài nghi, liệu “Phù thủy trắng” có kiên định với con đường ông đã vạch ra?

HLV Troussier đưa đội tuyển Nhật Bản vào vòng 16 đội World Cup 2002 khi ông mới 47 tuổi
HLV Troussier đưa đội tuyển Nhật Bản vào vòng 16 đội World Cup 2002 khi ông mới 47 tuổi

Từng huấn luyện 7 ĐTQG từ Á sang Phi, nhưng 4 năm dẫn dắt bóng đá Nhật Bản mới là dấu ấn lớn nhất, làm nên tên tuổi của HLV người Pháp. Là quốc gia châu Á đầu tiên (cùng với Hàn Quốc) đồng đăng cai vòng chung kết (VCK) World Cup 2002, bóng đá Nhật Bản cần một cuộc cách mạng và HLV Troussier là người được chọn.

Ông phụ trách cùng lúc 3 đội tuyển: U.19, U.23 và ĐTQG Nhật Bản với số cầu thủ lên tới hơn 150 người. “Tôi gọi đó là “phòng thí nghiệm” của mình, nơi tôi đưa ra chiến lược cho cả 3 cấp độ đội tuyển để hướng đến World Cup 2002” - ông Troussier nhớ lại.

Thành công bắt đầu từ chính lứa trẻ nhất. Dưới sự dẫn dắt của ông, U.20 Nhật Bản đoạt chức á quân U.20 World Cup 1999 và 1 năm sau đội tuyển Olympic vào tứ kết Olympic Sydney 2000. Chỉ sau đó 1 tháng, ĐTQG với nòng cốt là các cầu thủ lứa này đã đánh bại Saudi Arabia để vô địch Asian Cup 2000, bản thân ông Troussier được AFC bình chọn là HLV xuất sắc nhất châu Á trong năm. Tiếp đến, ĐTQG Nhật Bản về nhì tại Confederations Cup 2001 và phần cuối là kỳ tích lần đầu tiên vào vòng knock-out World Cup 2002 (thua Thổ Nhĩ Kỳ 0-1 ở vòng 1/8 trước, đội sau đó đoạt HCĐ).

Trong “sảnh danh vọng” của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản, có một vị trí trang trọng dành cho HLV Troussier với ghi nhận dấu ấn lớn nhất của ông để lại không chỉ là các danh hiệu, mà đã đổi thay toàn diện về tư duy, nâng tầm bóng đá Nhật Bản.

Sau này nhìn lại, HLV Troussier cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng giúp ông thành công cùng bóng đá Nhật Bản là do tính đồng bộ được tạo ra nhờ việc phụ trách cả 3 cấp độ đội tuyển.

Con đường ấy đang được lập lại ở Việt Nam. Cũng bắt đầu từ lứa U.19 (khi làm Giám đốc Kỹ thuật của Trung tâm PVF, ông Troussier được mời dẫn dắt đội U.19 Việt Nam và giành vé vào VCK Giải U.19 châu Á 2020 nhưng vì Covid-19 giải bị hủy). Đội U.23 hiện tại hầu hết là các học trò ông đã “chấm” từ 3-4 năm trước và trên cương vị HLV trưởng 2 đội tuyển, ông từng bước cài cắm các cầu thủ trẻ lên ĐTQG như: Phan Tuấn Tài, Khuất Văn Khang, Nguyễn Thái Sơn, Hoàng Văn Toản, Đức Phú¸ Nguyễn Văn Tùng, Giáp Tuấn Dương, Phạm Trung Hiếu… Theo ông, khoảng 10-15 cầu thủ trẻ có thể cạnh tranh vị trí với các đàn anh.

Về thời kỳ làm việc ở Nhật Bản, HLV Troussier từng nói: “Tất cả cầu thủ đều được đặt dưới sự quản lý như nhau, cùng các bài tập, cùng một cách giao tiếp và cùng một kỷ luật, không có sự khác biệt giữa các cầu thủ U.20 và ĐTQG”. Còn với ĐTQG và U.23 Việt Nam được hội quân song song, trộn lẫn tập luyện: “Cả 2 đội dưới sự huấn luyện của tôi có chung cách chơi, tầm nhìn, tổ chức. Họ chia sẻ chung một ban huấn luyện, chung một mục tiêu”, và ông Troussier giải thích: “Tôi sẽ duy trì sự pha trộn đội hình ĐTQG và phương pháp của mình nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh hướng tới mục tiêu vòng loại World Cup 2026 và vượt ra ngoài đẳng cấp Đông Nam Á. Đó là lý do tôi sẽ trao cơ hội cho các cầu thủ thứ 60, 70, 80 như tôi đã làm ở Nhật Bản”.

Trần Đỗ - Yên Chi

Tin xem nhiều