Khi nhà cầm quân người Pháp vừa trở thành HLV ngoại thứ 10 của bóng đá Việt Nam, với tuyên bố: “Mục tiêu World Cup 2026 không ngoài tầm với” (dù VFF đã “lùi” đến năm 2030), một nhà văn và facebooker nổi tiếng bình luận: “Chưa biết ông, nhưng nghe ông nói đã khó tin ông”.
HLV Troussier đã kiên định thì người hâm mộ nên kiên nhẫn |
Gần đây ông Philippe Troussier giãi bày: “Tôi thích đặt mục tiêu dù bản thân cũng không chắc có thể đạt được mục tiêu đó hay không. Tôi muốn tham dự World Cup vào năm 2026 vì chúng ta cần một định hướng cho tương lai”. Với di sản “đồ sộ” để lại của HLV Park Hang-seo, là một HLV tên tuổi châu Âu có bề dày thành tích lớn hơn rất nhiều, tất nhiên ông Troussier phải không chỉ tiếp nối những thành công mà còn phải “vượt qua những giới hạn” của người tiền nhiệm, như nhiều lần ông đề cập. Ông Park đã đưa bóng đá Việt Nam đi đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022 vậy thì “mục tiêu” của Troussier phải là vào vòng chung kết.
Chính vì vậy, ngoài mô hình “3 trong 1” nhằm tìm kiếm, làm mới về con người ở đội tuyển Việt Nam - cũng đã đạt tới giới hạn và phần nào vơi bớt động lực, bằng những cầu thủ trẻ từ 2 lứa U.20, U.23; chiến lược gia người Pháp còn muốn thay đổi lối chơi, tư duy chiến thuật. Người ta nói nhiều về yêu cầu kiểm soát bóng của HLV Troussier nhưng triết lý của “Phù thủy trắng” không đơn giản như thế. Cũng với sơ đồ 3-4-3, đội tuyển Nhật Bản tại World Cup 2002 chơi pressing, chủ trương gây áp lực và dồn ép đối thủ liên tục. “Đặc trưng chiến thuật của tôi là sử dụng hàng thủ 3 người giăng ngang, áp sát rất quyết liệt (điều vẫn còn mới mẻ ở thời điểm đó) và phòng ngự định hướng theo bóng chứ không phải theo người” - HLV Troussier mô tả ngắn gọn phong cách chiến thuật mà ông áp dụng. Chính vì vậy, ông yêu cầu tính kỷ luật cao và đồng bộ trong sự vận hành của 11 vị trí trên sân. Trong đó sự chặt chẽ được đặt lên hàng đầu: chặt chẽ trong phòng ngự, tấn công, chặt chẽ trong triển khai bóng và chặt chẽ trong cả tư duy thi đấu. Đặc biệt là nguyên tắc 30m. Cự ly đội hình tính từ hậu vệ dưới cùng trước thủ môn đến cầu thủ chơi cao nhất trên hàng công phải luôn được duy trì ở khoảng cách ngắn này nhằm tạo ra đội hình hẹp, chặt chẽ, với mục đích là bóp nghẹt không gian chơi bóng của đối thủ.
“Điểm nổi bật trong triết lý của HLV Troussier là sự chặt chẽ. Các tuyến đội hình thi đấu gần nhau, về cả chiều dài lẫn chiều ngang. Toàn đội sẽ di chuyển cùng nhau theo một khối ở mọi khu vực trên sân. Với Nhật Bản, nguyên tắc này là cốt yếu, bởi chúng tôi thường không có thể lực, thể hình tốt như đối thủ” - một chuyên gia bóng đá Nhật Bản từng nhận xét. Tư duy, tinh thần chơi bóng vì tập thể, khoa học và chặt chẽ ấy của ông Troussier trở thành nền móng và vẫn tồn tại ở đội tuyển Nhật Bản hiện nay.
Tuy nhiên, công thức này có thành công với mọi đội bóng, quốc gia hay không lại là một câu chuyện khác. Sau Nhật Bản, HLV Troussier đã đến Qatar, Morocco và dẫn dắt các CLB của Nhật, Tunisia, Trung Quốc nhưng không để lại nhiều dấu ấn. Ngoài ra nếu tính từ thời điểm chia tay CLB Hàng Châu (Trung Quốc) đến khi nhận chức thuyền trưởng bóng đá Việt Nam, ông đã thôi công tác huấn luyện 8 năm và nay sắp bước vào tuổi thất thập.
Trước sự tiến bộ chậm chạp của các cầu thủ U.23 VN, người ta không khỏi băn khoăn: liệu phương pháp của HLV Troussier có phù hợp? Phải thẳng thắn thừa nhận chất lượng (ngay cả kỹ thuật cơ bản) của đa phần lứa cầu thủ trẻ hiện tại không bằng lứa U.20 World Cup 2017 và U.23 2018. Không bột khó gột nên hồ nhất là với yêu cầu phải thay đổi cả tư duy, thói quen chơi bóng. Bản thân HLV Troussier cũng hiểu điều đó: “Chúng tôi biết sức mạnh không đến từ cá nhân cầu thủ vì vậy sẽ xây dựng từ tinh thần đoàn kết tập thể” và tin tưởng: “Để bù đắp cho thiếu sót kỹ thuật, các cầu thủ Việt Nam có tinh thần cầu tiến, kỷ luật, khát khao thể hiện bản thân”.
Đã tin mới dùng, đã dùng phải tin; hãy kiên nhẫn cho ông Troussier thời gian làm việc của mình.
Đông Kha
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin