Báo Đồng Nai điện tử
En

HLV nội, ai dám giơ tay?

Đông Kha
22:23, 10/04/2024

Sau chu kỳ 5 năm thành công rực rỡ với huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo và một năm thất bại cùng HLV Philippe Troussier, bóng đá Việt Nam lại đứng trước cơn đau đầu “tầm sư”. Sẽ là HLV ngoại thứ 11 hay như có ý kiến cho rằng HLV nội hiện đã đủ sức gánh vác nhiệm vụ?

Từng 4 lần tạm quyền đội tuyển nam nhưng ông Mai Đức Chung chỉ được nhớ tới là ông Chung “gái”.
Từng 4 lần tạm quyền đội tuyển nam nhưng ông Mai Đức Chung chỉ được nhớ tới là ông Chung “gái”.

Nếu tính từ cái mốc bóng đá Việt Nam có HLV ngoại đầu tiên là Tavares tại Cúp Độc lập (tiền thân của VFF Cup) vào đầu năm 1995, đã có 9 lần đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) được trao vào tay HLV nội. Tuy nhiên, trong số đó có đến 7 trường hợp tạm quyền.

Sau khi mang về 2 tấm huy chương cho ĐTVN (huy chương bạc SEA Games 1995 và huy chương đồng Tiger Cup 1996), tháng 6-1997, HLV Weigang chia tay vì mâu thuẫn với VFF, trợ lý Trần Duy Long rồi Lê Đình Chính tạm quyền, nhưng chỉ trong vài trận.

SEA Games 2003 trên sân nhà, ĐTVN vào chung kết và chơi rất ấn tượng trước tuyển Thái Lan, lãnh đạo VFF xuống sân đề nghị tái ký hợp đồng với ông Alfred Riedl, nhưng trước đó HLV người Áo đã nhận lời một đội bóng Tây Á. Trợ lý Nguyễn Thành Vinh tạm quyền… một trận giao hữu trước khi nhường chỗ cho HLV Edson Tavares trở lại lần 2.

Tại AFF Cup 2004, ĐTVN bất ngờ thua Indonesia 0-3 trên sân Mỹ Đình, HLV người Brasil “sốc” nặng phải đi cấp cứu (và một lần nữa… đi luôn), trợ lý HLV thủ môn Trần Văn Khánh thế vai và ĐTVN đánh bại Lào 3-0, nhưng vẫn bị loại.

Ông Mai Đức Chung là HLV nội nắm giữ kỷ lục với đến 4 lần tạm quyền. SEA Games 2007, sau thất bại của đội tuyển U.22 Việt Nam trước Myanmar ở bán kết, HLV Riedl bị ép phải từ nhiệm ngay tại Thái Lan, ông Chung chỉ đạo trong trận tranh hạng 3 với Singapore, nhưng không còn tinh thần nên Công Vinh và đồng đội thua thảm 0-5. Lần thứ 2 ông Chung nắm ĐTVN là sau khi HLV Calisto không thể bảo vệ được chức vô địch tại AFF Cup 2010, rồi một năm sau lại đóng thế cho có vì thay HLV người Đức Falko Goetz vốn chỉ tồn tại được nửa năm sau thất bại ở SEA Games 2011. Và lần cuối cùng là thế chỗ HLV Nguyễn Hữu Thắng, cầm quân 2 trận gặp Campuchia ở vòng loại thứ 3 Asian Cup 2019 trước khi ĐTVN được giao cho HLV Park Hang-seo.

Tương tự là trường hợp tạm quyền của HLV Nguyễn Văn Sỹ trong giai đoạn nửa năm đầu 2013.

Chỉ có 3 HLV nội được VFF chính thức ký hợp đồng, bổ nhiệm HLV trưởng ĐTVN là Phan Thanh Hùng (năm 2012), Hoàng Văn Phúc (năm 2013) và Nguyễn Hữu Thắng (năm 2016). Tuy nhiên, ông Hùng chỉ “ngồi ghế nóng” được 4 tháng và mất cả danh tiếng vì màn thể hiện thảm hại của ĐTVN tại AFF Cup 2012. Ông Phúc lên thay tồn tại được gần một năm, trắng tay ở SEA Games 2013 và không để lại ấn tượng nào. Gần nhất, HLV Hữu Thắng cay đắng với thất bại 0-3 trước Thái Lan ở SEA Games 2017, phải từ chức ngay sau trận đấu trên đất Malaysia.

Ngược dòng quá khứ như vậy để thấy chưa có một HLV nội nào thành công với ĐTVN.

Không còn phải bỏ tiền túi, một thân một mình lặn lội đi khắp thế giới “du học” như HLV Hoàng Anh Tuấn trước đây, những lớp HLV các cấp độ của AFC liên tục được mở tại Việt Nam đã giúp các HLV trong nước nâng cao bằng cấp, tiếp thu, cập nhật kiến thức bóng đá hiện đại thuận lợi, dễ dàng hơn. Là người Việt, HLV nội cũng có những lợi thế hơn hẳn đồng nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, thua thiệt của họ là cái tầm, cái uy, kinh nghiệm quốc tế. Đó là chưa kể HLV nội dễ bị chi phối bởi cảm tính, tình cảm yêu ghét, có cảm tình với cầu thủ A., không thích cầu thủ B. Rồi chuyện “quân anh quân tôi”, những vấn đề trong hậu trường...; những thứ ngoài chuyên môn mà HLV người nước ngoài không cần quan tâm.

Quan trọng hơn, trước những tấm gương tày liếp của các bậc đàn anh đi trước, trong bối cảnh hiện tại, ai dám giơ tay nhận trọng trách cả ĐTVN và tuyển U.23? Sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không tưởng có một HLV Mai Đức Chung của bóng đá nam.

Đông Kha

Tin xem nhiều