Tiêu chí chọn huấn luyện viên (HLV) mới cho đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) theo lãnh đạo VFF, không nhất thiết phải là HLV châu Âu hay châu Á, không chỉ giỏi chuyên môn mà quan trọng là phải phù hợp, hiểu văn hóa Việt Nam.
Weigang (trái) và Calisto, 2 huấn luyện viên châu Âu thành công nhất với đội tuyển Việt Nam. |
29 năm qua, ĐTVN đã trải qua 10 đời HLV ngoại, trong đó có 2 HLV châu Á, 2 Brasil và 6 đến từ châu Âu. Thành công nhất là 3 cái tên: Karl-Heinz Weigang (Đức, từ năm 1995 đến tháng 6-1997), Henrique Calisto (Bồ Đào Nha, giai đoạn từ tháng 6-2008 đến 2-2011) và Park Hang-seo (Hàn Quốc, tháng 10-2017 đến 1-2023). Ông Weigang mang về 2 tấm huy chương đầu tiên cho bóng đá Việt Nam sau khi đất nước thống nhất và mở cửa, hội nhập (huy chương bạc SEA Games 1995 và huy chương đồng Tiger Cup 1996). Ông Calisto là người đem đến chức vô địch đầu tiên tại AFF Cup 2008.
Tuy đến từ châu Âu nhưng cả 2 HLV này trước đó đều có quá trình gắn bó, hiểu biết về bóng đá Việt Nam. Ông Weigang (qua đời vào tháng 6-2017, thọ 81 tuổi), từ năm 1964 đã đến Sài Gòn làm giáo viên dạy nghề ở Trường Kỹ thuật Cao Thắng. Từ năm 1966-1968, ông dẫn dắt đội tuyển miền Nam với các huyền thoại: Tam Lang, Vinh “sói”, Ngôn, Mộng… vô địch Giải Merdeka 1966 - ngày ấy là giải đấu rất danh giá. Còn HLV Calisto trước khi đưa ĐTVN lên ngôi vô địch Đông Nam Á ở AFF Cup 2008 là tấm huy chương đồng AFF Cup 2002 trong nhiệm kỳ đầu tiên và đã có 7 năm dẫn dắt đội Đồng Tâm Long An.
Đến giờ vẫn lưu truyền những câu chuyện cho thấy tình cảm của 2 HLV châu Âu, vượt ra ngoài khuôn khổ trái bóng và sa bàn chiến thuật. Như sau khi kết thúc trận bán kết SEA Games 1995 kéo dài 2 hiệp phụ với Myanmar (ĐTVN thắng 2-1 với “bàn thắng vàng” của Minh Chiến), khi đội trở về khách sạn thì không còn nhân viên phục vụ. Ông Weigang đã lặn lội khắp Chiang Mai để tìm bữa ăn đêm cho các cầu thủ. Rồi ở trận chung kết với Thái Lan, ông đã nổi nóng, phản ứng dữ dội với vì Ban tổ chức nước chủ nhà có sự phân biệt đối xử với các cổ động viên Việt Nam.
Còn ông Calisto là sau những buổi tập, chiều chiều có thể ngồi nhâm nhi bên lon bia tâm tình chuyện đời, chuyện nghề với các học trò. Mỗi khi ĐTVN lên đường ra nước ngoài thi đấu, ông chỉ bảo, chỉnh sửa cho các cầu thủ từng nút thắt cà vạt. Và giờ đây, sau 15 năm, ông vẫn hàng năm trở lại Việt Nam trong những buổi họp mặt của “thế hệ vàng”, gặp lại những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hữu Thắng, Minh Chiến, Công Minh... Tay bắt mặt mừng, tình thầy trò vẫn nồng thắm.
Trong khi các HLV châu Âu khác thường tập trung vào công tác chuyên môn, mọi quan hệ với cầu thủ chỉ thuần túy trên công việc, thì việc ăn cơm Việt mòn đũa cùng những hiểu biết về đất nước, con người, văn hóa, tập quán của dải đất hình chữ S đã giúp 2 “ông Tây” Weigang và Calisto tạo nên mối dây liên kết gắn bó với các cầu thủ, qua đó thành công với bóng đá Việt Nam.
Nhưng HLV Park Hang-seo mới là người đạt được kỳ tích, có điều đây lại là một “ca” khác.
Trong các đời HLV ngoại của ĐTVN, có 2 người từng có 2 lần làm HLV trưởng là Tavares (Brasil, 1995 và 2004) và Henrique Calisto (Bồ Đào Nha, 2002 và 2008-2011). Cá biệt, HLV Alfred Riedl có đến 3 lần: tháng 8-1998 đến năm 2000, năm 2003 và từ năm 2005-2007. Tổng thời gian dẫn dắt ĐTVN của ông Riedl là 5 năm, nhưng ông được mệnh danh là “vua về nhì” bởi danh hiệu cao nhất mà ông đạt được chỉ là chức á quân. Ông Riedl đã qua đời vào tháng 9-2020 ở tuổi 70.
Qua 2 lần tự động gia hạn hợp đồng với tổng thời gian 5 năm 3 tháng, ông Park
Hang-seo là HLV có thời gian tại vị lâu nhất và liên tục dài nhất.Nhiệm kỳ ngắn nhất thuộc về HLV Tavares, chỉ sau Giải giao hữu Cúp Độc lập năm 1995, ông chia tay với bóng đá Việt Nam mà không nói lý do. Kế đến là HLV người Đức Falko Goetz với chỉ 6 tháng.
Đông Kha
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin