Đêm qua 15-4, vòng chung kết (VCK) Giải U.23 Châu Á lần thứ 6 đã khởi tranh với trận khai mạc giữa đội chủ nhà Qatar và U.23 Indonesia.
Từ năm nay trở đi, AFC quy định các vòng chung kết U.23 châu Á không phải vòng loại Olympic sẽ do nước chủ nhà của kỳ Asian Cup năm tiếp theo đăng cai. Do đó, Saudi Arabia sẽ là chủ nhà của vòng chung kết U.23 châu Á 2026 và Asian Cup 2027. |
Đường đến Olympic Paris 2024
Phải đến năm 2014, giải đấu cấp độ cao nhất trong hệ thống bóng đá trẻ, kế cận đội tuyển quốc gia này mới được AFC hình thành. Đặc biệt, với chu kỳ 2 năm/lần, VCK U.23 châu Á vào các năm có tổ chức Olympic cũng đồng thời là vòng loại Olympic. Năm nay, châu Á có 3,5 suất đến Paris 2024 tranh tài môn bóng đá nam; ngoài 3 đội đứng đầu, đội hạng 4 tại VCK U.23 sẽ đấu play-off với đại diện của châu Phi để tranh vé vớt. Vì vậy, tính chất cạnh tranh lần này sẽ cao hơn rất nhiều so với các giải 2022, 2018 hay 2014.
U.23 Việt Nam từng tạo nên kỳ tích vào chung kết tại Trung Quốc 2018 hay Jordan từng hạng 3 ở Oman 2014, nhưng bất ngờ rất khó xảy ra vào các năm tranh vé đến Olympic. Đơn giản bởi các đội sẽ đưa lực lượng U.23 mạnh nhất, thi đấu với quyết tâm cao nhất (VCK 2018 đương kim vô địch Nhật Bản chỉ cử đội U.20 nhằm chuẩn bị cho kỳ Olympic 2 năm sau đó trên sân nhà). Ở 2 kỳ Olympic gần đây, suất tham dự thông qua VCK U.23 đều thuộc về các “ông lớn”: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Iraq, Saudi Arabia (Rio de Janeiro 2016 Hàn Quốc vào tứ kết, Tokyo 2020 chủ nhà Nhật Bản hạng 4).
Hay như Uzbekistan là một trong các đội giàu thành tích nhất ở Giải U.23 châu Á với chức vô địch 2018 và á quân 2022, nhưng đều là năm không có Olympic. Tại Thái Lan 2020, Uzbekistan vào bán kết (thua Australia 0-1) nhưng năm ấy châu Á chỉ có 3 suất tham dự Olympic Tokyo 2020.
Theo quy định, một ngày trước cuộc họp kỹ thuật, hôm qua 15-4, ông Hoàng Anh Tuấn đã chốt danh sách 23 cầu thủ U.23 Việt Nam đăng ký chính thức tham dự VCK. Sau khi Phan Tuấn Tài chấn thương, đã có thêm 4 cái tên bị loại. Tuy nhiên, 6 tiếng trước trận ra quân, các đội vẫn có thể thay đổi danh sách.
Hy vọng gì cho Đông Nam Á?
Đây là lần đầu tiên Đông Nam Á (ĐNA) có 4 đội góp mặt tại VCK U.23 châu Á. Trong lịch sử, mới có một lần đại diện ĐNA vào tới trận chung kết đó là U.23 Việt Nam vào năm 2018 (á quân). Ở 4 VCK còn lại trong quá khứ, các đội U.23 khu vực ĐNA cùng lắm chỉ tiến đến tứ kết, như Malaysia vào năm 2018, Thái Lan năm 2020.
Năm nay tại Qatar, với đến 4 đại diện, cơ hội lần đầu tiên có 3 đội ĐNA vào tứ kết là không nhỏ. Ở bảng A, U.23 Indonesia có đội hình rất đáng gờm với phần lớn cầu thủ từng vô địch SEA Games 32, á quân Giải U.23 ĐNA 2023, đồng thời có đến 13 tuyển thủ quốc gia vừa thi đấu tại vòng loại World Cup 2026. Đáng chú ý, trong số này có 5 cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài, trong đó có 3 nhập tịch: Jenner, Struick, Hubner và Marselino, Arhan. Với lực lượng này, U.23 Indonesia có thể làm nên lịch sử trong lần đầu tiên tham dự VCK.
U.23 Thái Lan nằm ở bảng C cùng với U.23 Saudi Arabia, Iraq và Tajikistan. Saudi Arabia được xác định sẽ lấy một trong 2 vé, Tajikistan không mạnh nên trận ra quân giữa Thái Lan và Iraq vào đêm nay 16-4 sẽ là trận “chung kết” giữa 2 đội.
Ở bảng D, đương kim á quân Uzbekistan vượt trội, trong khi Kuwait nhiều năm qua sa sút nên cuộc tranh ngôi nhì bảng chủ yếu diễn ra giữa U.23 Việt Nam và Malaysia và sẽ có một đại diện ĐNA đi tiếp.
Trần Đỗ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin