Kể từ Giải hạng Nhất 2012 có 14 đội tham dự, đã 11 năm qua hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là mô hình kim tự tháp ngược, khi đỉnh (số đội V.League) lại to hơn chân đế.
Nguyên nhân, sau khi không trụ nổi ở V.League thì đội bóng cũng biến mất hoặc bản thân các đội hạng Nhất không kham nổi kinh phí nên tự giải thể. Tiếng là “V.League two” nhưng sân chơi chuyên nghiệp hạng Nhất liên tục teo tóp, mùa giải 2017 thậm chí chỉ còn 7 đội, rồi 8, 10 và nhiều nhất trong 12 năm qua là 12 đội (mùa giải 2020).
Từng mừng vui nhưng ngay sau đó Bình Thuận đành bỏ suất thăng hạng Nhất mùa giải 2023-2024 vì không có kinh phí. |
Để thay đổi nghịch lý này, Hội nghị Ban Chấp hành VFF lần thứ 6, khóa IX vừa qua quyết định, kể từ mùa giải 2025-2026, số đội tham dự Giải hạng Nhất sẽ là 14, để ít ra cũng bằng với V.League. Tuy nhiên, tình hình trước mùa giải mới 2024-2025 (được coi là bước đệm) lại đang rối như tơ vò. Bởi muốn là một chuyện, vấn đề là tìm đâu ra số đội? Sau Bình Thuận rút lui ở mùa giải 2023-2024 khiến Giải hạng Nhất chỉ còn 11 đội, sắp tới sẽ còn teo tóp nữa.
Khi mùa giải còn chưa kết thúc, Công ty CP Bóng đá Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) đã có công văn xin UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động, nếu không đội bóng sẽ dừng thi đấu. Tỉnh BRVT thừa sức về tài chính nhưng Luật Ngân sách nhà nước và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp không cho phép đầu tư, nuôi đội bóng chuyên nghiệp vốn mang tên một công ty cổ phần, nên đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Nối tiếp, Công ty CP Phát triển bóng đá Long An cũng có đơn “xin giao trả” đội bóng về cho Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Long An từ hôm nay 1-8, vì để duy trì đội bóng mỗi năm tiêu tốn khoảng 20-25 tỷ đồng nhưng vận động tài trợ chỉ được 5-7 tỷ đồng.
Tương tự như BRVT, Long An, Đồng Nai FC cũng không nằm ngoài vòng xoáy “thủ tục đầu tiên”.
Mới nhất, đến lượt tân binh Định Hướng Phú Nhuận nổi sóng. Chưa rõ câu chuyện “chuyển hộ khẩu” của đội bóng này từ Phú Nhuận về thành phố Thủ Đức ra sao, nhưng vừa qua đội bóng đã quyết định thanh lý giám đốc điều hành và gần như toàn bộ ban huấn luyện, cầu thủ.
Ngay cả Khánh Hòa, sau khi chia tay V.League liệu có chơi ở hạng Nhất để làm lại hay không, đến giờ vẫn chưa rõ.
Nếu BRVT, Long An, Định Hướng Phú Nhuận và Khánh Hòa đồng loạt bỏ giải, chỉ với duy nhất tân binh Trẻ TP.HCM từ Giải hạng Nhì lên, Giải hạng Nhất 2024-2025 (sẽ bắt đầu vào ngày 13-9) lại sụt giảm chỉ còn 8 đội (Phú Thọ đã rớt hạng). Để thực hiện “quy hoạch” mùa giải 2025-2026 có 14 đội thì mùa này VFF phải “xua”… 6 đội hạng Nhì lên hạng, hoặc 5 đội và Giải hạng Nhất không có đội xuống hạng?
Sự “chuyên nghiệp hóa” ồ ạt này là điều chưa từng có. Trong quá khứ, có 2 mùa giải 2017 và 2018 từng có 3 đội phong trào được thăng hạng Nhất, nhưng với Giải hạng Nhì năm nay có 16 đội tham gia, nếu lấy 6 thì tỷ lệ “chọi” gần như “1 đấu 2”!
Mục tiêu chủ quan, duy ý chí của VFF có nguy cơ phá sản từ trong trứng nước, bởi cái gốc của vấn đề là một nền bóng đá quá thiếu tính ổn định. Mang tiếng chuyên nghiệp nhưng lên xuống theo phong trào tùy thuộc hứng thú của các “ông bầu” và “sức khỏe” của nhà tài trợ.
Đông Kha
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin