Báo Đồng Nai điện tử
En

Bi kịch tình yêu ở Baghdad

11:07, 06/07/2007

Nhiều đôi tình nhân trẻ tuổi ở Baghdad không có chỗ để hẹn hò, chỉ duy trì quan hệ qua điện thoại di động. Nếu họ thuộc hai sắc tộc Shi’ite và Sunni đối địch thì dường như chỉ còn cách bỏ trốn để được kết hôn với nhau...

Nhiều đôi tình nhân trẻ tuổi ở Baghdad không có chỗ để hẹn hò, chỉ duy trì quan hệ qua điện thoại di động. Nếu họ thuộc hai sắc tộc Shi’ite và Sunni đối địch thì dường như chỉ còn cách bỏ trốn để được kết hôn với nhau...

Đây là một câu chuyện tình điển hình ở Baghdad. Sameera Ubaid có một công việc tạm thời vào mùa hè năm ngoái: giám sát thi tại một trường cao đẳng xây dựng. Một ngày nọ, trong buổi coi thi, cô gặp anh Salaam Ali, giảng viên tại trường. Họ đã trò chuyện với nhau trong khi vẫn đảm bảo rằng các sinh viên không giở trò gian lận đối với bài thi. Khi quá trình coi thi kết thúc, họ chia tay và hứa sẽ gọi điện cho nhau. Nhưng Ali thú nhận "không bao giờ hy vọng sẽ gặp lại cô ấy".

ADVERTISEMENT

Phút giây vụng trộm của một đôi tình nhân trẻ tại nhà riêng của một người bạn tại Baghdad.
Phút giây vụng trộm của một đôi tình nhân trẻ tại nhà riêng của một người bạn tại Baghdad.

ADVERTISEMENT

Ubaid, 28 tuổi, trở về nhà của cô ở Dora, một vùng lân cận Baghdad khét tiếng về tình trạng bạo lực, nơi các lực lượng Mỹ và Iraq đang hàng ngày vật lộn với chiến dịch truy quét quân nổi dậy Sunni. Khi tình hình chiến sự leo thang, gia đình Ubaid cho rằng quá nguy hiểm để cô rời khỏi nhà. Cô đơn, Ubaid bắt đầu thường xuyên gọi điện cho Ali, 32 tuổi, để tán gẫu. Những cuộc điện thoại nhanh chóng trở thành các cuộc tâm tình thường nhật và sau đó phát triển thành tình yêu.

Vì không còn phương tiện giao tiếp nào khác nên mối tình lãng mạn của họ hoàn toàn qua điện thoại di động. Ali phải chi tới 1/3 trong tổng số 250 USD lương mỗi tháng để mua thẻ điện thoại trò chuyện với người yêu. Gặp gỡ không phải là một lựa chọn. Mặc dù cả hai đều là người Sunni nhưng do Ali thuộc một bộ tộc mà người Shi’ite chiếm đại đa số nên trong mắt những người cuồng tín nắm quyền kiểm soát các đường phố Dora, anh vẫn bị buộc tội câu kết với nhóm sắc tộc đối địch.

ADVERTISEMENT

Khi Ali cầu hôn vào mùa thu năm ngoái, họ thậm chí chưa gặp lại nhau kể từ sau lần giáp mặt đầu tiên. "Tôi đã không gặp anh ấy trong 4 tháng, nhưng tôi biết mình đã có sự lựa chọn đúng đắn", Ubaid nói. Kể từ lễ đính hôn, họ mới chỉ gặp nhau 4 lần. Ali thổ lộ họ đã và sẽ phải cam chịu tình trạng "đính ước qua điện thoại" hàng tháng, thậm chí hàng năm trước khi có thể tổ chức đám cưới.

"Tình yêu là thứ xa xỉ"

Ngày nay, đối với nhiều cặp đôi ở Baghdad, một cuộc gặp mặt trực tiếp chỉ còn là một thứ xa xỉ, không cần thiết. Tình yêu lãng mạn chưa bao giờ là quy chuẩn ở Iraq, một xã hội Hồi giáo bảo thủ nơi hôn nhân sắp đặt là hiện tượng phổ biến.

Dẫu vậy, trước chiến tranh, ở các thành phố lớn như Baghdad và Basra, đặc biệt là tại các trường đại học, thanh niên Iraq có thể có những sứ giả tình yêu và thiết tha mong mỏi được kết hôn vì tình yêu ngay cả khi điều đó có nghĩa họ phải vượt qua sự chia rẽ về sắc tộc. Trong các lớp học, những mối quan hệ Shi’ite-Sunni từng không vấp phải sự phản đối. Họ thậm chí cũng có thể hẹn hò. Ở Baghdad, những đôi đang tán tỉnh, thường có một người đi kèm, sẽ gặp nhau tại các cửa hàng bán nước hoa quả hoặc kem ở một trong các nhà hàng dọc đôi bờ sông Tigris. Quan hệ tình dục trước hôn nhân rất hiếm khi xảy ra, nhưng những kẻ đang yêu ưa mạo hiểm sẽ sắp xếp các cuộc hẹn tại những ngõ ngách yên tĩnh của thành phố. Một địa điểm nổi tiếng dành cho các đôi tình nhân là một khu lát bê tông gần cầu Jadhariya, nơi đôi khi diễn ra các lớp học lái xe. Tại đó, giả vờ như dạy bạn gái cách ngoặt xe, một chàng thanh niên có thể kín đáo nắm tay cô.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực vốn đang tàn phá Baghdad kể từ sau sự sụp đổ của chính quyền Saddam Hussein, đã làm cho mọi thứ trở thành không thể. Nhiều người trẻ tuổi cho rằng thật là không thích hợp khi nghĩ tới tình yêu vào thời điểm như thế này. Muna Hussein, một phiên dịch viên 20 tuổi làm việc ở Khu Xanh thổ lộ: "Đôi khi tôi ước có được tình yêu trong cuộc sống của mình nhưng tôi cảm thấy tội lỗi. Tôi cảm thấy mình là người tồi tệ vì mong muốn thứ tình cảm lãng mạn cho bản thân trong khi đất nước đang đổ máu".

Hiện tại, những ai vẫn đang tìm kiếm một mối quan hệ lãng mạn sẽ chẳng còn nhiều nơi cho những cuộc hẹn hò như trước. Nhiều khuôn viên trường đại học từng được xem là tự do hiện cũng bị các nhóm sinh viên cực đoan người Shi’ite ủng hộ giáo sĩ theo đường lối cứng rắn Muqtada al-Sadr kiểm soát. Họ áp dụng các biện pháp tách biệt giới tính nghiêm ngặt và theo dõi những ai dám kết thân với phe khác giới. Các bậc phụ huynh lo ngại về tình trạng bạo lực trên đường phố, cũng buộc con cái họ, đặc biệt là con gái, phải ở trong nhà. Chỉ có những người dũng cảm nhất mới ra ngoài ăn tối, vì nhà hàng thường là mục tiêu "ưa thích" của những kẻ đánh bom liều chết. Con đường dành cho những người đang yêu gần cầu Jadhariya được đánh dấu bởi xác hai chiếc xe gài bom đã cháy rụi. Một bốt cảnh sát được dựng lên ở đây nhằm đảm bảo rằng không có ai lảng vảng tại khu vực này.

Tình yêu qua Internet

Giống như Ubaid và Ali, rất nhiều đôi tình nhân trẻ đã duy trì mối quan hệ lãng mạn qua điện thoại. Tuy nhiên, vẫn có một nơi tình yêu tiếp tục thăng hoa: Internet. Việc tiếp cận Internet từng bị cấm nghiêm ngặt dưới thời cố Tổng thống Saddam nhưng hiện nay đã không bị giới hạn như trước. Nó cho phép các thanh niên Iraq giao tiếp với mọi người và với phần còn lại của thế giới. Trong các diễn đàn và bản tin bằng tiếng Ảrập tràn ngập thông tin về những người Iraq đang tìm bạn - và có thể một sự tán tỉnh vô hại nào đó. Những ai sở hữu máy vi tính và webcam có thể tạo ra những cuộc trò chuyện mặt đối mặt. Dịch vụ điện thoại Internet phổ biến Skype hiện đã có hơn 40.000 khách hàng tại Iraq.

Đối với số ít người may mắn, việc tiếp cận trực tuyến có thể là sự khởi đầu cho một mối quan hệ tuyệt vời. Mohammed Subhi, một nhân viên an ninh ở Baghdad, đã "gặp gỡ" Hester Terpstra, công dân Hà Lan, qua Skype. Terpstra, truy cập dịch vụ từ Alesund, Na Uy, nơi cô đang làm việc như một hướng dẫn viên trường lái. "(Lúc ấy) tôi chỉ muốn được trò chuyện với một ai đó từ một khu vực khác trên thế giới. Nhưng ngay từ đầu, tôi có cảm nhận là Mohammed và tôi đã có một sợi dây ràng buộc đặc biệt", cô kể lại.

Cả hai đã duy trì tình bạn trực tuyến trong nhiều tháng trước khi nó phát triển thành một mối quan hệ sâu đậm hơn. Sau đó, họ thu xếp một cuộc gặp ở Damascus. Mọi sự lo lắng mà Subhi, 29 tuổi, đã có trước cuộc gặp, biến mất trong vòng vài giây. "Cô ấy chính xác là người mà mà cô ấy đã thể hiện trên Skype: sôi nổi, thông minh và cởi mở", anh tiết lộ. Còn đối với Terpstra, 37 tuổi, cô rời Damascus khi đã bị thuyết phục rằng họ phải cưới nhau. Cả hai hiện đang chờ cơ hội để Subhi tới Na Uy.

Đáng chú ý là, gia đình Sunni bảo thủ của Subhi rất ủng hộ chuyện tình của họ và rõ ràng là không quan tâm tới việc Terpstra không phải là tín đồ Hồi giáo. "Họ không quan tâm tới tôn giáo của cô ấy", Subhi tiết lộ. "Họ chỉ cảm thấy vui mừng vì tôi có cơ hội thoát khỏi nơi này".

Trắc trở

Nhưng ở Iraq, sự khoan dung đã trở thành "của hiếm". Sự hận thù giữa người Shi’ite và người Sunni đã hằn sâu đến mức chẳng có mấy người dám bước qua sự chia rẽ và tìm kiếm bạn đời bên ngoài sắc tộc của mình.

Jumana Majid, 24 tuổi và Abdel-Salaam al-Hilli, 27 tuổi đều đã tốt nghiệp Trường Đại học Baghdad. Cả hai đã yêu nhau được 3 năm trước khi Hilli chính thức cầu hôn với Majid. Cha mẹ của Majid, đều là người Sunni, đã ngay lập tức chúc phúc cho đôi bạn trẻ. Tuy nhiên, 2 trong số 3 người anh em trai của cô phản đối lịch liệt.

"Em trai út của tôi đứng trước toàn thể gia đình và nói: ’Nếu chị nhất quyết lấy người đàn ông này, chúng em thề trước chị và Chúa trời rằng chúng em sẽ giết chết chị trong bộ váy cưới. Nó nói "Chúng ta không thể sống với nỗi ô nhục mà chị đem lại do việc kết hôn với một người Shi’ite’", Majid nhớ lại.

Người ta không thể phớt lờ những lời cảnh báo như thế này. Một đoạn video khủng khiếp ghi hình vụ "thảm sát vì danh dự" thiếu nữ Dua Khalil Aswad, một tín đồ giáo phái Yazidi thiểu số đã dám chống lại gia đình để cưới một người Hồi giáo, đang lưu hành rộng rãi qua các máy điện thoại di động và đăng tải trên các trang web tiếng Ảrập. Aswad bị một nhóm đàn ông đánh đập và ném đá vào người trước sự chứng kiến của các cảnh sát Iraq mặc thường phục. Một người đàn ông thậm chí đã nhặt một hòn đá cuội lớn và ném vào đầu cô.

Lo sợ bản thân sẽ phải hứng chịu số phận bi thảm của Aswad nhưng Majid nhất quyết muốn gắn bó với Hilli. Cô nói hy vọng lớn nhất của bản thân hiện nay là sau khi cô và Hilli hoàn thành việc học, cả hai sẽ có thể di cư tới một nơi nào đó mà các anh em trai của cô không thể tìm thấy được.

Ubaid và Ali, cặp tình nhân đã đính hôn, cũng có kết cục tương tự nhưng hoàn toàn vì những lí do kinh tế. Ali ước tính anh cần phải kiếm được gấp 3 thu nhập hiện tại mới có thể trang trải nổi cuộc sống gia đình. Chẳng có nhiều công việc như anh đang làm tại Baghdad, vì vậy, Ali lên kế hoạch rời bỏ đất nước, gia nhập những đoàn người Iraq bỏ xứ đang ùn ùn đổ về các nước Jordan và Syria láng giềng. Tuy nhiên, Ali đã chậm chân: bất kỳ công việc gì từng trống chỗ ở các trường đại học ở Jordan và Syria đã bị những học giả đến đó đầu tiên đã giành lấy. Ali đã có một chuyến đi tìm việc vô ích ở Damascus. Hiện cả Jordan và Syria đang bắt đầu đẩy trả những người nhập cư trở lại bên kia biên giới. Ubaid lo ngại rằng có thể sẽ mất nhiều năm họ mới cưới được nhau. Cô nói đùa: "Lúc ấy, tôi sẽ trở thành một bà cô già, rụng hết răng và anh ấy sẽ chẳng còn sợi tóc nào".

Đối với những người đang yêu ở Iraq, hạnh phúc dường như chỉ tồn tại ở một nơi nào khác. (Theo Time)

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT