
Indonesia hôm 5/5 đã dẫn độ 4 binh sĩ nổi loạn đang bị truy nã ở Đông Timor vì cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công nhắm vào tổng thống và thủ tướng của quốc gia non trẻ nhất Đông Nam Á này hồi tháng 2.
Nhà chức trách Indonesia đã bàn giao 4 binh sĩ bị truy nã cho Trưởng công tố Đông Timor Longuinhos Monteiro tại sân bay trên hòn đảo nghỉ mát Bali. Sau đó, đại diện Đông Timor đã đưa các nghi phạm về nước.
ADVERTISEMENT
![]() |
Cảnh sát Indonesia dẫn giải các binh sĩ Đông Timor nổi loạn ở sân bay Halim Perdana Kusuma ở Jakarta (Ảnh Reuters) |
ADVERTISEMENT
Ông Monteiro cho biết các phần tử chống đối sẽ bị truy tố về tội mưu sát và có thể phải lĩnh mức án cao nhất là 25 năm tù giam nếu bị kết tội.
"Khi chúng tôi về tới Dili ngày hôm nay, chúng tôi sẽ thẩm vấn họ ngay lập tức để quyết định về tình trạng bắt giữ họ", Trưởng công tố Đông Timor phát biểu trước các phóng viên.
ADVERTISEMENT
Các binh sĩ nổi loạn nằm trong số 600 lính bị quân đội Đông Timor sa thải vào năm 2006. Việc thải hồi này đã dấy lên bạo lực ở quốc gia nhỏ bé này, khiến 37 người thiệt mạng và 150.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán.
Thủ lĩnh quân nổi dậy Alfredo Reinado bị bắn chết trong một cuộc tập kích nhắm vào Tổng thống Đông Timor Jose Ramos-Horta. Ông Ramos-Horta đã bị thương nặng và phải phẫu thuật khẩn cấp sau khi tư dinh của ông ở Thủ đô Dili bị tấn công hôm 11/2. Trong khi đó, Thủ tướng Đông Timor Xanana Gusmao đã thoát nạn trong một vụ tập kích khác vào đoàn xe môtô hộ tống ông diễn ra cùng ngày.
Theo một tuyên bố của cảnh sát Indonesia, 3 trong số các binh sĩ nổi loạn của Đông Timor đã bị bắt trong một cuộc vây ráp của cảnh sát đặc nhiệm tại Tây Timor thuộc nước này hôm 19/4. Tên thứ tư bị bắt ở thủ đô Jakarta hồi cuối tháng trước.
Tổng thống Ramos-Horta, người đã quay trở về Dili sau hai tháng hồi phục sức khỏe ở Australia, từng làm buồn lòng chính phủ Jakarta khi tuyên bố rằng các phần tử chống đối từ quốc gia láng giềng Indonesia đứng sau âm mưu ám sát ông. Tuy nhiên, sau đó ông Ramos-Horta giải thích rằng những phát biểu của ông ám chỉ tới những phần tử nổi dậy Đông Timor ở Indonesia, chứ không phải chính phủ hay quân đội Indonesia.
Đông Timor độc lập năm 2002. Quốc gia non trẻ nhất châu Á này hiện vẫn phải vật lộn để duy trì ổn định trong nước bất chấp sự giàu có về tài nguyên khí đốt và dầu mỏ. (Theo Reuters, AFP)