Hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon ngày 5-3 đã thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới nỗ lực chấm dứt tình trạng ngược đãi, bạo hành phái yếu. Chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay là "Phụ nữ và nam giới đoàn kết ngăn chặn bạo hành đối với phụ nữ và bé gái."
Hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon ngày 5-3 đã thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới nỗ lực chấm dứt tình trạng ngược đãi, bạo hành phái yếu. Chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay là "Phụ nữ và nam giới đoàn kết ngăn chặn bạo hành đối với phụ nữ và bé gái."
ADVERTISEMENT
Phát biểu tại hội nghị thường niên của Ủy ban LHQ về vị thế của người phụ nữ, diễn ra từ ngày 2-13/3 tại trụ sở LHQ ở New York, TTK nhấn mạnh: "Bạo hành phụ nữ là hành động không thể dung thứ, dù ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào và dưới bất kỳ hình thức nào. Đã đến lúc phải thay đổi và chúng ta phải đoàn kết để cùng nói Không với vấn nạn này". Ông khẳng định ngược đãi, đối xử thô bạo với phụ nữ là tội ác chống lại loài người và đi ngược lại Hiến chương của LHQ.
Nhân dịp này, TTK Ban Ki-moon cũng công bố những số liệu về tình trạng bạo hành đối với phụ nữ. Theo đó, trên toàn thế giới, cứ 5 phụ nữ có một người bị cưỡng bức hoặc lạm dụng tình dục, và tại một số nước, có tới 30% nữ giới thường xuyên bị đánh đập hoặc bạo hành về thể xác, tinh thần. Ngoài ra, LHQ cũng công bố báo cáo đánh giá tác động và hiệu quả của các chính sách, chương trình hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ mà nhiều nước đã triển khai, coi đây là công cụ hữu hiệu để các chính phủ cải thiện hệ thống luật pháp, hoạch định chích sách và chương trình hành động phù hợp hơn.
ADVERTISEMENT
Các chuyên gia LHQ về vấn đề ngược đãi phụ nữ tỏ ra lạc quan trước triển vọng tình trạng này có thể được ngăn chặn trong tương lai. Theo họ, tại nhiều nước, phụ nữ đã dám công khai việc mình bị ngược đãi, đối xử thô bạo và giác ngộ được rằng bạo lực không phải là điều tất yếu dành cho người phụ nữ.
Mặc dù tình trạng bạo hành phụ nữ vẫn còn khá phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới, song về phương diện đời sống chính trị, nữ giới đã có những bước tiến đáng kể so với hơn một thập kỷ trước. Theo báo cáo của Hiệp hội Liên nghị viện (IPU) công bố cùng ngày, nữ giới hiện chiếm 18% ghế Quốc hội các nước trên toàn thế giới, tăng 60% kể từ năm 1995.
ADVERTISEMENT
Trong năm 2008, đã diễn các cuộc bầu cử Quốc hội và cải tổ cơ quan lập pháp tại 54 nước trên thế giới và số nữ nghị sĩ chiếm 18,3% (tương đương 8.094 người), tăng nhẹ so với mức 17,7% của năm ngoái và tăng đáng kể so với mức 11,3% của năm 1995.
Thượng nghị sĩ Pia Cayetano, Chủ tịch Ủy ban các nữ nghị sĩ của IPU, cho rằng mặc dù đã có nhiều cải thiện, nữ giới vẫn phải vượt qua chặng đường dài để đạt được sự bình đẳng giới trong các cơ quan lập pháp. Theo bà, thành kiến và rào cản trong nhận thức văn hóa về vai trò của người phụ nữ trong đời sống xã hội chính là những rào cản lớn nhất, ngăn cản phụ nữ tham gia hoạt động chính trị. (TTXVN)