
Đảng Dân chủ Mỹ đã nhận một cú sốc lớn khi chính trị gia Cộng hòa Scott Brown giành chiến thắng trong cuộc đua đến chiếc ghế đại diện bang Massachusetts ở Thượng viện, vốn bị bỏ trống sau khi Thượng nghị sĩ Dân chủ Edward Kennedy qua đời.
Đảng Dân chủ Mỹ đã nhận một cú sốc lớn khi chính trị gia Cộng hòa Scott Brown giành chiến thắng trong cuộc đua đến chiếc ghế đại diện bang Massachusetts ở Thượng viện, vốn bị bỏ trống sau khi Thượng nghị sĩ Dân chủ Edward Kennedy qua đời.
ADVERTISEMENT
![]() |
Niềm vui chiến thắng của ông Scott Brown và gia đình - Ảnh: Reuters |
ADVERTISEMENT
Hãng tin AP cho biết trong cuộc bầu cử ngày 19-1, ông Brown đã giành được 52% số phiếu so với mức 47% của đối thủ Martha Coakley, Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang. Đêm 19-1 (sáng 20-1 giờ VN), trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Brown tuyên bố “đã sẵn sàng tới Washington”.
Như vậy, ông Brown đã trở thành Thượng nghị sĩ Cộng hòa thứ 41 ở Thượng viện Mỹ, và là chính trị gia Cộng hòa đầu tiên từ Massachusetts - bang theo đường lối tự do - được bầu vào Thượng viện kể từ năm 1972.
ADVERTISEMENT
Kế hoạch cải tổ y tế bị đe dọa
Thất bại của bà Coakley là một đòn mạnh giáng vào Tổng thống Barack Obama, bởi giờ đây đảng Dân chủ đã mất thế “đa số tuyệt đối” 60/40 ở Thượng viện. Theo quy định của Thượng viện Mỹ, các thượng nghị sĩ có quyền phát biểu “không hạn chế thời gian” về bất cứ chủ đề nào. Chủ tọa phiên họp ở Thượng viện chỉ có thể chấm dứt thảo luận vấn đề đó khi có 3/5 Thượng nghị sĩ, tương đương với 60 người, đồng ý. Mọi dự luật bị hơn 40 Thượng nghị sĩ phản đối đều không thể thông qua.
Đây là chiến thuật “filibuster” mà phe thiểu số ở Thượng viện Mỹ thường áp dụng để cản trở việc thông qua một dự luật. Trước đó, với thế đa số 60/100 ở Thượng viện, đảng Dân chủ dễ dàng thông qua mọi dự luật mà Tổng thống Barack Obama đề xuất bất chấp mọi phản đối của đảng Cộng hòa. Nhưng ưu thế đó đã mất khi bà Coakley thua cuộc.
Các chuyên gia chính trị bình luận với kết quả này, đảng Dân chủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thông qua kế hoạch cải tổ y tế của Tổng thống Barack Obama, cũng như các dự luật khác của ông.
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Brown cáo buộc chương trình cải tổ y tế của ông Obama sẽ dẫn đến tình trạng tăng thuế, mất việc làm, tăng nợ quốc gia.
“Đây là một thảm họa đối với Tổng thống”, Reuters dẫn lời giáo sư chính trị Jeffrey Berry thuộc ĐH Tufts nhận định. “Tình trạng bế tắc sẽ xảy ra ở Quốc hội”. Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs tuyên bố ông Obama “ngạc nhiên” và “thất vọng” đối với kết quả cuộc bầu cử.
Theo CNN, trước đó, một số quan chức Dân chủ cho biết việc thẩm định kết quả bầu cử sẽ kéo dài hai tuần, đủ thời gian để Quốc hội do đảng Dân chủ chiếm thế đa số thông qua dự luật cải tổ y tế trước khi ông Brown chính thức nhậm chức.
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin từ đảng Dân chủ khẳng định khả năng này khó xảy ra. Kể cả khi các nghị sĩ Dân chủ kịp đạt thỏa thuận để thông qua dự luật cải tổ y tế trong vòng vài tuần tới, thì họ sẽ phải đối mặt với phản ứng kịch liệt từ phía đảng Cộng hòa và cả dư luận Mỹ.
Vì sao bà Coakley thất bại?
![]() |
Ông Scott Brown ăn mừng chiến thắng cùng gia đình - Ảnh: Reuters |
Bang Massachusetts từng được xem là “lãnh địa” riêng của đảng Dân chủ. Trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2008, ông Obama cũng chiến thắng lớn tại đây. Ông Brown lại là một chính trị gia ít tên tuổi. Nhưng giới quan sát cho rằng thất bại của bà Coakley ở Massachusetts dù là một cú sốc lớn, nhưng không phải là quá ngạc nhiên.
Reuters dẫn lời một số nhà phân tích khẳng định bà Coakley đã mắc sai lầm nghiêm trọng là coi thường đối thủ, và quá tự tin rằng bà chắc chắn thắng tại sân nhà của đảng Dân chủ. Bà ít khi xuất hiện trước công chúng trong quá trình tranh cử, trong khi ông Brown có mặt khắp nơi. Phe Cộng hòa đã chi hàng triệu USD từ tiền quyên góp chính trị để quảng cáo và vận động cử tri. Vào giai đoạn cuối của cuộc tranh cử, tỷ lệ ủng hộ bà Coakley sụt giảm mạnh. Hôm 17-1, Tổng thống Obama đã đến Massachusetts để cứu vãn tình thế nhưng vô hiệu.
Một nguyên nhân quan trọng khác các khoản tiền khổng lồ để giải cứu giới ngân hàng Phố Wall, cùng khoản thâm hụt ngân sách không thấy đáy của chính quyền, tỷ lệ thất nghiệp cao… đã khiến người dân Massachusetts bất mãn. Họ còn lo ngại về kế hoạch cải tổ y tế của ông Obama. Số lượng cử tri độc lập ở Massachusetts rất lớn, và với những lo ngại đó, họ ngả về phía ông Brown. “Đã đến lúc đất nước này lấy lại tiền cho người đóng thuế”, AP dẫn lời cử tri Karla Bunch, 49 tuổi, bày tỏ.
Thực tế này được phản ánh qua tình trạng tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ đối với ông Obama ngày càng sụt giảm, hiện đang ở mức 53% theo khảo sát của ABC News/Washington Post, thấp hơn 15% so với hồi ông mới lên nhậm chức. Khoảng 53% người được hỏi không rõ liệu ông Obama có ra những quyết định đúng đắn cho tương lai đất nước hay không.
Các nghị sĩ Dân chủ cũng thừa nhận những khó khăn mà chính quyền Obama và đảng Dân chủ đang phải đối mặt. “Sự lo lắng đang tràn lan khắp đất nước”, AP dẫn lời Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez. “Người dân Mỹ đang mất kiên nhẫn, và đó cũng là điều dễ hiểu”.
(Theo TTO, AP, Reuters)