Báo Đồng Nai điện tử
En

Tranh chấp ở Biển Đông ’có thể dẫn tới xung đột’

10:06, 29/06/2011

Một cuộc xung đột ở quy mô lớn hơn đang nhen nhóm từ những tranh chấp rất nguy hiểm trên Biển Đông suốt thời gian qua, các nhà phân tích quốc phòng Australia cảnh báo.

Một cuộc xung đột ở quy mô lớn hơn đang nhen nhóm từ những tranh chấp rất nguy hiểm trên Biển Đông suốt thời gian qua, các nhà phân tích quốc phòng Australia cảnh báo.

Các chính phủ trong khu vực đang chưa tìm được tiếng nói chung về các vùng biển tranh chấp vốn được cho là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn, một nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy của Australia nhận định. Những phân tích và dự đoán của nhóm chuyên gia được đưa vào một bản báo cáo có tên "Khủng hoảng Niềm tin: Những cường quốc chính và An ninh hàng hải tại Ấn Độ-châu Á Thái Bình Dương", với người chủ biên là Rory Medcalf.

Tàu khu trục USS Howard của Mỹ. Con tàu này đang tham gia tập trận với hải quân Philippines gần Biển Đông. Ảnh: Navsource
Tàu khu trục USS Howard của Mỹ. Con tàu này đang tham gia tập trận với hải quân Philippines gần Biển Đông. Ảnh: Navsource
Phần lớn các vụ va chạm gây căng thẳng xảy ra trên Biển Đông, với các bên tham gia tranh chấp gồm Việt Nam, Trung Quốc (gồm Đài Loan), Philippines, Brunei và Malaysia. Các quan chức Việt Nam và Trung Quốc mới đây đã gặp gỡ trực tiếp tại Bắc Kinh để nói về những va chạm trên biển vừa qua. "Tình hình đang lắng dịu sau một thời gian căng thẳng, nhưng không ai biết điều gì sẽ xảy ra", WSJ dẫn lời của nhóm nghiên cứu.

Nếu một cuộc chiến tranh được châm ngòi, Mỹ và các cường quốc khác sẽ không thể đứng ngoài. Ảnh hưởng của cuộc chiến sẽ lan rộng khắp khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Viện Lowy cảnh báo. Hải quân Mỹ vốn hoạt động trong các vùng biển ở châu Á và đang tiến hành tập trận chung với Philippines, sắp tới là với Australia.

Sức ép về tài nguyên, những tranh chấp chủ quyền, chủ nghĩa dân tộc và những căng thẳng giữa quân đội Mỹ - Trung là tâm điểm của một viễn cảnh hỗn loạn có thể xảy ra. Đây là nhận định của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Lowy, dựa trên việc tham vấn các chuyên gia an ninh tại Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ.

Một trong những vấn đề được chỉ ra trong bản báo cáo của Viện Lowy là việc Trung Quốc không sẵn sàng cho phép các kênh liên lạc thường xuyên với các lực lượng nước ngoài. "Có một nhu cầu cấp thiết trong việc cải thiện và thực sự sử dụng các kênh liên lạc giữa Trung Quốc với các cường quốc quân sự khác", chuyên gia Medcalf nói.

Nhận định chung của nhóm chuyên gia thuộc Viện Lowy là các tuyến đường biển tại Ấn Độ-châu Á Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên chật chội, là chủ đề gây tranh cãi và rất dễ bị tổn thương bởi xung đột vũ trang. Các lực lượng hải quân và không quân tại khu vực này đang được tăng cường, trong bối cảnh sức nặng chiến lược trong cán cân kinh tế đang thay đổi theo hướng lệch đông.

Nhóm chuyên gia của Viện Lowy đưa ra bản báo cáo khi Australia nhận thức rõ đòi hỏi của việc phải triển khai lại các nguồn lực quân sự để bảo vệ tốt hơn cho các cơ sở hạ tầng năng lượng, và sẵn sàng đối phó với các cường quốc châu Á, trong đó có việc Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng chiến lược tại khu vực.

Trong thời gian gần đây, Biển Đông - nằm giữa Ấn Độ-dương và Thái Bình Dương - liên tục "dậy sóng" vì những tranh chấp chủ quyền vùng nước và các đảo. Các vụ việc tàu Trung Quốc cắt cáp và cản trợ hoạt động của các tàu thăm dò địa chấn Việt Nam, cũng như các va chạm giữa Trung Quốc với Philippines khiến tình hình Biển Đông trở nên nóng hơn lúc nào hết, các nhà phân tích nhận xét.

VnExpress

Tin xem nhiều