Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 22/9 cảnh báo hệ thống tài chính toàn cầu đang lâm nguy khi các nguy cơ gây bất ổn tài chính tiếp tục gia tăng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: vov.vn) |
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 22/9 cảnh báo hệ thống tài chính toàn cầu đang lâm nguy khi các nguy cơ gây bất ổn tài chính tiếp tục gia tăng.
Báo cáo của IMF chuẩn bị cho Hội nghị thường niên năm 2011 với Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, hệ thống tài chính toàn cầu đang phải chịu tác động tiêu cực nặng nề của các nhân tố bất ổn gây khủng hoảng lòng tin kinh tế toàn cầu, như việc khiến cho các thị trường châu Âu rối loạn, chỉ số tín dụng của Mỹ bị hạ thấp, tăng trưởng trì trệ, mất cân bằng tài chính nghiêm trọng và thiếu quyết tâm chính trị ở các nền kinh tế phát triển.
Các thị trường tài chính phát triển đã bắt đầu hoài nghi khả năng của các nhà hoạch định chính sách có thể dành được sự ủng hộ chính trị rộng rãi để thúc đẩy các hành động chính sách cần thiết.
Báo cáo của IMF lưu ý, lãi suất thấp cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng ở các nước phát triển có thể tiềm ẩn hiểm họa dài hạn đối với ổn định tài chính trong khi đó, ở nhiều thị trường mới nổi, nợ công tăng nhanh và tín dụng cũng tăng nhanh để tài trợ đầu tư đã gây mất cân bằng tài chính và suy giảm chất lượng tín dụng, gây sức ép quá nóng lên nền kinh tế.
Các thị trường mới nổi cũng đang đối mặt với các căng thẳng tài chính và nguy cơ dòng vốn nước ngoài bị bất ngờ rút ồ ạt.
Báo cáo của IMF kết luận thiếu hành động chính sách mang tính quyết định để loại trừ các nguyên nhân và di sản của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008 đã dẫn đến tình hình tài chính thế giới ảm đạm hiện nay. Con đường phục hồi bền vững hiện tuy đã thu hẹp nhưng vẫn mở.
Các nhà hoạch định chính sách của các nền kinh tế thế giới cần hành động khẩn cấp và quyết định để thúc đẩy các chính sách cải tổ quy định tài chính toàn cầu; cân bằng tài chính công ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản; xây dựng các nguồn vốn dự phòng thích hợp ở các ngân hàng châu Âu.
Các nền kinh tế mới nổi cần nỗ lực giảm mất cân bằng tài chính để tăng khả năng chống lại các cú sốc tài chính đồng thời thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính vững chắc./.