Ngày 13/12, cờ Palestine lần đầu tiên đã tung bay trên nóc trụ sở của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc ở Paris, Pháp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty) |
Ngày 13/12, cờ Palestine lần đầu tiên đã tung bay trên nóc trụ sở của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc ở Paris, Pháp.
Đây được xem là một thắng lợi ngoại giao đối với người Palestine bất chấp sự phản đối quyết liệt từ Mỹ và Israel.
Tổng thống Palestine Mahmud Abbas xúc động theo dõi khi lá cờ Palestine từ từ được kéo lên cùng với bài hát chung của vùng lãnh thổ Palestine. Một nhà ngoại giao Palestine trước đó cho biết ông Abbas muốn chứng tỏ rằng ông coi trọng vai trò của UNESCO.
UNESCO khẳng định việc thượng cờ Palestine chỉ là nghi lễ mang tính tượng trưng nhằm đánh dấu việc Palestine được thừa nhận là thành viên đầy đủ của tổ chức này, như đã được thực hiện đối với bất kỳ thành viên mới nào.
Tại cuộc họp Đại Hội đồng UNESCO cuối tháng 10 vừa qua, với 107 phiếu ủng hộ và 14 phiếu phản đối, Palestine đã được công nhận là thành viên đầy đủ của UNESCO. Đây được coi là một thắng lợi của Chính quyền Tổng thống Abbas trong mục tiêu thành lập nhà nước Palestine độc lập và trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, kết quả này khiến Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, tức giận. Washington cho rằng người Palestine cần đạt thỏa thuận hòa bình với Israel trước khi được trở thành thành viên chính thức của UNESCO, và ngay sau đó đã ngừng đóng góp tài chính cho tổ chức này.
Israel cũng đã phản ứng với quyết định của UNESCO bằng cách tăng cường xây dựng các khu định cư ở khu vực phía Đông Jerusalem bị chiếm đóng và khu vực Bờ Tây của người Palestine, đồng thời phong tỏa việc trao cho Chính quyền Palestine phần thuế quan đối với những hàng hóa chuyển đến Palestine qua các cửa khẩu của Israel./.
Vietnam+