Ngày 12-12, Văn phòng quốc gia nghiên cứu châu Á, có trụ sở tại Mỹ, đã phối hợp với Trung tâm Habibi của Indonesia tổ chức cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Các nguồn tài nguyên năng lượng biển ở châu Á: Cơ hội cho sự phát triển chung”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Ngày 12-12, Văn phòng quốc gia nghiên cứu châu Á, có trụ sở tại Mỹ, đã phối hợp với Trung tâm Habibi của Indonesia tổ chức cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Các nguồn tài nguyên năng lượng biển ở châu Á: Cơ hội cho sự phát triển chung”.
Hơn 70 đại biểu, là các học giả, các nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước trên thế giới và đại diện một số đại sứ quán nước ngoài tại Jakarta, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, đã tham dự sự kiện này.
Trong phát biểu khai mạc, Giám đốc điều hành Trung tâm Habibi Ima Abdurahim đã nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo, trong bối cảnh các tranh chấp về chủ quyền biển ở Đông Á và Đông Nam Á hiện là một trong những mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất đối với an ninh và kinh tế của các nước trong khu vực và trên toàn cầu.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung trình bày về hợp tác biển và trách nhiệm của các quốc gia trên đại dương, bài học về sự phát triển chung cũng như cách tiếp cận các giải pháp cho tranh chấp chủ quyền. Các đại biểu nhấn mạnh các bên cần tôn trọng lẫn nhau và vấn đề cần được giải quyết trên cơ sở đối thoại, không đe dọa sử dụng vũ lực. Hội thảo cũng nhất trí cho rằng các biện pháp xây dựng lòng tin ở Biển Đông giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) năm 2002 đã giúp kiềm chế căng thẳng trong khu vực và là cơ sở cho hai bên hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính chất ràng buộc hơn về mặt pháp lý và tuân thủ tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982.
(Theo AP, TTXVN)