Nước Bỉ đã bị tê liệt trong ngày 30/1 do cuộc tổng bãi công kéo dài 24 giờ của nhân viên các ngành giao thông, giáo dục, y tế, xã hội... để phản đối chính sách kinh tế khắc khổ và cắt giảm các chương trình xã hội mà chính phủ nước này vừa công bố.
Nước Bỉ đã bị tê liệt trong ngày 30/1 do cuộc tổng bãi công kéo dài 24 giờ của nhân viên các ngành giao thông, giáo dục, y tế, xã hội... để phản đối chính sách kinh tế khắc khổ và cắt giảm các chương trình xã hội mà chính phủ nước này vừa công bố.
Một công nhân đang đốt bên ngoài nhà ga tại Brussels. |
Cuộc bãi công diễn ra vào đúng thời điểm Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức tại nước này nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công và vực dậy nền kinh tế EU đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Để đối phó với cuộc tổng bãi công này, Chính phủ Bỉ buộc phải chuẩn bị "phương án B", theo đó sẽ đón nguyên thủ các quốc gia EU tại một sân bay quân sự nằm cách thủ đô Brussels vài chục km.
Ngay chiều 29/1, nhân viên ngành giao thông đã tiến hành tổng bãi công. Tại các thành phố của Bỉ, hoạt động giao thông công cộng bị hạn chế đến mức tối đa. Các chuyến tàu hỏa liên tỉnh, thậm chí tàu tốc hành từ Brussels đi Paris (Pháp), Luân Đôn (Anh) và Amsterdam (Hà Lan) đều ngừng hoạt động. Hoạt động hàng không tại Bỉ trong ngày 30/1 cũng bị đảo lộn. Các nhân viên điều phối tại sân bay thủ đô vẫn đi làm, tuy nhiên, các dịch vụ khác tại cảng hàng không Brussels hầu như không được bảo đảm. Các trường học, công sở cũng đóng cửa trong ngày 30/1. Tại tất cả các bệnh viện chỉ duy nhất dịch vụ cấp cứu là có người trực. Nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại không mở cửa. Cuộc tổng bãi công này cũng thu hút các phương tiện thông tin đại chúng tham gia.
Những gì đang diễn ra tại Bỉ cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) kéo dài sang năm thứ ba, đã bắt đầu lan sang cả lĩnh vực xã hội.
(Theo BBC, Reuters)