Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul, ngày 6-2, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã thăm chính thức Vương quốc Thái Lan.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul, ngày 6-2, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã thăm chính thức Vương quốc Thái Lan. Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến chào xã giao Thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra và hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Surapong Tovichakchaikul.
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul (phải) tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh |
Tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul, hai bên nhất trí cùng thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có việc tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra chung trên biển, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố quốc tế. Hai bên cam kết không để cho bất cứ tổ chức hay cá nhân nào sử dụng lãnh thổ nước này để tiến hành các hoạt động gây phương hại an ninh trật tự của nước kia.
Về thương mại - đầu tư, hai bên nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 7 tỷ USD trong năm 2012, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước phát huy hiệu quả của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Hai bên cũng trao đổi về hợp tác trong một số lĩnh vực khác như nông nghiệp, lao động, du lịch...
Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị phía Thái Lan xem xét sớm thả các ngư dân Việt Nam bị Thái Lan bắt giữ trong thời gian qua, đồng thời đề nghị hai bên thống nhất xây dựng cơ chế phù hợp cũng như quy chế giải quyết các vụ tàu thuyền và ngư dân của hai nước xâm nhập vùng biển của nhau, phù hợp với luật pháp của mỗi nước và trên cơ sở quan hệ hữu nghị tốt đẹp song phương.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định cần đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
(Theo TTXVN)