Chiều 29-3, tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington (Mỹ), ông Sherman Katz, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Tổng thống và Quốc hội, đã có bài thuyết trình trước các học giả và chuyên gia thương mại về việc Việt Nam vận dụng sự gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như hội nhập thương mại quốc tế để phát triển mọi mặt của đất nước, coi đây là hình mẫu thành công cho nhiều quốc gia khác.
Ông Sherman Katz |
Chiều 29-3, tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington (Mỹ), ông Sherman Katz, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Tổng thống và Quốc hội, đã có bài thuyết trình trước các học giả và chuyên gia thương mại về việc Việt Nam vận dụng sự gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như hội nhập thương mại quốc tế để phát triển mọi mặt của đất nước, coi đây là hình mẫu thành công cho nhiều quốc gia khác.
Vi chủ đề “Các vận dụng tốt nhất việc gia nhập WTO của Việt Nam”, ông Sherman Katz nêu tám điểm tích cực mà Việt Nam đã chủ động thực hiện khi gia nhập WTO.
Theo ông Sherman Katz, điểm đầu tiên là quyết định chiến lược của các nhà lãnh đạo Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới trong bối cảnh Việt Nam đang có những khó khăn về kinh tế của những năm 1990.
Điểm thứ hai là sự tự đào tạo của Việt Nam về thương mại quốc tế trong suốt quá trình hội nhập, mà điển hình là các cuộc đàm phán BTA với Mỹ và gia nhập WTO.
Sự kết hợp giữa WTO và phát triển của Việt Nam là điểm tích cực thứ ba. Chuyên gia này cho biết từ năm 2001-2007, Việt Nam đã thông qua 93 văn bản luật mới dựa trên sự đồng thuận về hội nhập quốc tế, trong đó có luật doanh nghiệp, luật đầu tư… cùng với sự minh bạch ngày càng cải thiện của hệ thống luật pháp, sự độc lập của tòa án…
Đánh giá về việc sử dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài, ông Sherman Katz cho rằng đây là điểm sáng thứ tư của Việt Nam.
Điểm thứ năm ông Sherman Katz nhấn mạnh là việc Việt Nam đã sử dụng tốt sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế giúp cho khối tư nhân sẵn sàng tham gia sân chơi WTO, thông qua các cuộc hội thảo, tiếp cận và đào tạo.
Theo ông Sherman Katz, sự tham gia, đóng góp ý kiến của doanh nghiệp vào các cuộc đàm phán thương mại và cải cách luật pháp trong nước là một điểm tiến bộ của Việt Nam.
Điểm thứ bảy là việc tăng cường vai trò của Quốc hội, trong đó Quốc hội đã có sức ép rất mạnh đến việc nâng cao năng lực xây dựng pháp luật để luật Việt Nam phù hợp với WTO, các đại biểu Quốc hội thường xuyên được cập nhật tình hình đàm phán và nội dung đàm phán.
Cuối cùng là việc chuẩn bị cho WTO của các tỉnh, thành phố. Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh phải có kế hoạch hành động riêng và báo cáo kết quả lên Thủ tướng. Nghiên cứu thực tế của ông Sherman Katz tại tỉnh Hải Dương đã cho thấy đây là một điểm mang lại hiệu quả rất tốt.
Kết luận bài thuyết trình, luật sư Sherman Katz nói rằng ông rất muốn chia sẻ câu chuyện của Việt Nam với các nước sắp gia nhập hoặc mới gia nhập WTO.
(Theo TTXVN)