Báo Đồng Nai điện tử
En

ECB "bơm" tiền cho hệ thống tài chính Eurozone

05:03, 01/03/2012

Ngày 29/2, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã "bơm" 530 tỷ euro cho hệ thống tài chính Khu vực đồng euro, giúp giảm nhẹ mối quan ngại về một cuộc khủng hoảng tín dụng cũng như nguy cơ chi phí vay mượn tăng vọt trong khu vực vốn đang có nguy cơ tan vỡ vì khủng hoảng nợ công này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ngày 29/2, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã "bơm" 530 tỷ euro cho hệ thống tài chính Khu vực đồng euro, giúp giảm nhẹ mối quan ngại về một cuộc khủng hoảng tín dụng cũng như nguy cơ chi phí vay mượn tăng vọt trong khu vực vốn đang có nguy cơ tan vỡ vì khủng hoảng nợ công này.

Có tới 800 ngân hàng đã vay tiền của ECB và số tiền định chế tài chính châu Âu "tung" ra trong đợt cho vay lần này cao hơn dự báo của các nhà đầu tư và cao hơn lần cho vay thứ nhất, dừng ở 489 tỷ euro hồi tháng 12/2011. ECB hy vọng đây là lần cho vay cuối cùng trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Cuối năm ngoái, ECB tuyên bố áp dụng các hoạt động tái huy động vốn dài hạn (LTRO) nhằm nối lại các hoạt động cho vay liên ngân hàng khu vực đã bị đóng băng và "xì hơi" những căng thẳng trên thị trường trái phiếu đang đe dọa sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu.

Theo Chủ tịch ECB Mario Draghi, đợt cho vay thứ nhất đã giúp đẩy lui một cuộc khủng hoảng tín dụng lớn trong Khu vực đồng euro. Tuy nhiên, các nhà quan sát cảnh báo kết quả đợt cho vay lần này phụ thuộc vào việc các ngân hàng dùng nguồn tiền vừa vay được vào mục đích gì.

Ông Draghi kêu gọi các ngân hàng đầu tư nguồn tiền mới cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi các quan chức ECB khác hy vọng các ngân hàng sử dụng số tiền này để mua trái phiếu có lãi suất cao hơn, đặc biệt trái phiếu chính phủ của Italy, quốc gia có thể rơi vào khủng hoảng bảo hiểm nợ trong vài tháng tới.

Giới chức Khu vực đồng euro hiện có ý kiến trái chiều về kế hoạch LTRO. Một số cho rằng chiến lược này giúp "hạ nhiệt" khủng hoảng nợ công ở châu Âu và giúp các chính phủ khu vực có thêm thời gian hoạch định các chính sách cân bằng ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng lâu dài. Cũng có ý kiến quan ngại LTRO sẽ khiến các ngân hàng không chủ động mà trông chờ vào nguồn tiền từ ECB để giải quyết khủng hoảng nợ công./.

Vietnam+

Tin xem nhiều