Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Sergei Prikhodko ngày 24-3 cho biết ưu tiên của Nga trong vấn đề Syria là thuyết phục các bên đàm phán để tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở nước này.
Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Sergei Prikhodko ngày 24-3 cho biết ưu tiên của Nga trong vấn đề Syria là thuyết phục các bên đàm phán để tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở nước này.
Dân chúng biểu tình chống chính quyền Assad.jpg |
Phát biểu trước thềm chuyến thăm Nga của đặc phái viên chung của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL), cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan, cố vấn Prikhodko cho biết ưu tiên hàng đầu của Moscow trong vấn đề Syria là ngừng ngay bạo lực và thuyết phục phe đối lập ngồi vào bàn đàm phán với các đại diện chính phủ để đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông Prikhodko cho biết thêm, bên lề hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Seoul, Hàn Quốc hai ngày 26 đến 27-3 tới, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama để bàn về tình hình Syria, Iraq, Afghanistan....
Theo kế hoạch, cựu Tổng Thư ký LHQ Annan sẽ thăm Nga từ ngày 25-3 nhằm tạo cú hích mới cho hòa bình tại Syria, trước khi sang thăm Trung Quốc hai ngày 27 và 28-3. Cả hai quốc gia này đã hai lần sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm phản đối các nghị quyết lên án chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Cùng ngày, Nga đã cáo buộc nghị quyết mà Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) mới thông qua là "phiến diện", và "đi ngược lại các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc xung đột" ở Syria. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga một lần nữa hối thúc tất cả các bên lập tức ngừng bắn và mở cuộc đối thoại chính trị toàn quốc mà không có sự can thiệp của nước ngoài, đồng thời khẳng định Moscow sẽ kiên trì chính sách này.
Trước đó ngày 23-3, UNHRC đã thông qua một nghị quyết lên án Chính phủ Syria xâm phạm nhân quyền, nhưng không đề cập đến vai trò của phe đối lập trước tình hình bạo lực leo thang. Nga, Trung Quốc và Cuba đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này.
Trong một diễn biến khác, người đứng đầu lực lượng chống đối Quân đội Syria Tự do (FSA), Đại tá Riad al-Asaad đã thông báo thành lập một hội đồng quân sự, tập hợp tất cả các thủ lĩnh quân chống đối, trong đó có nhân vật đào ngũ cấp cao nhất của quân đội, Tướng Mustafa al-Sheikh và 10 vị tướng khác. Ông Al-Sheikh được chọn làm Chủ tịch hội đồng, Đại tá Riad al-Asaad sẽ phụ trách các chiến dịch quân sự, chỉ huy tất cả các binh đoàn và hội đồng quân sự địa phương trên toàn Syria. Phát biểu qua điện thoại từ Thổ Nhĩ Kỳ, Đại tá Riad al-Asaad cho biết: "Hội đồng mới thành lập là một bước tiến nhằm đảm bảo sự thống nhất của các binh sĩ và các lực lượng vũ trang (của phe đối lập) trên lãnh thổ Syria".
Cùng ngày, Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), tổ chức đối lập lớn nhất ở Syria, cho biết đã mời các phe phái chống chế độ của Tổng thống Asaad họp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 26-3 để vạch ra những mục tiêu chung của các lực lượng chống chính phủ. Một thành viên SNC, ông Mohamed al-Sarmini cho biết các cuộc thảo luận này nhằm soạn thảo một "Hiệp ước Dân tộc vì một Syria mới". Cuộc họp được tổ chức với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, ngay trước thềm hội nghị "Những người bạn của Syria" lần thứ hai vào ngày 1-4 cũng tại thành phố này.
Trong khi đó tại Syria, xung đột vẫn diễn ra tại thành phố điểm nóng Homs, Hama ngày 24-3, làm chết ít nhất 24 dân thường, 15 binh lính và hai tay súng. Theo số liệu chưa chính thức, khoảng 9.100 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột suốt một năm qua tại Syria.
(Theo Reuters, BBC)