Báo Đồng Nai điện tử
En

Syria: Phe đối lập bác bỏ đề nghị đối thoại của Đặc phái viên Kofi Annan

10:03, 09/03/2012

Các lực lượng đối lập tại Syria ngày 8-3 đã bác bỏ đề nghị đối thoại của Đặc phái viên chung giữa Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL), cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan, đồng thời cho rằng chính Damascus đã hủy hoại triển vọng đạt thỏa thuận qua đàm phán.

Các lực lượng đối lập tại Syria ngày 8-3 đã bác bỏ đề nghị đối thoại của Đặc phái viên chung giữa Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL), cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan, đồng thời cho rằng chính Damascus đã hủy hoại triển vọng đạt thỏa thuận qua đàm phán.

Cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan (trái) cùng với Tổng thư ký AL Nabil al-Arabi trong cuộc trả lời phỏng vấn ở Thủ đô Cairo, ngày 8-3.jpg
Cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan (trái) cùng với Tổng thư ký AL Nabil al-Arabi trong cuộc trả lời phỏng vấn ở Thủ đô Cairo, ngày 8-3.jpg

Phát biểu tại Cairo (Ai Cập) trước khi tới Syria ngày 10-3, ông Annan cho biết sẽ kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập ở Syria ngừng xung đột và cùng tìm một giải pháp chính trị thông qua đối thoại. Tuy nhiên, phản ứng trước lời kêu gọi này, một đại diện của phe đối lập tại Homs, ông Hadi Abdullah tuyên bố: "Phản đối mọi đối thoại trong khi xe tăng vẫn nã pháo vào các thị trấn, tình trạng đổ máu tiếp diễn và nhiều khu vực vẫn bị cắt điện, nước, hệ thống liên lạc". Trước đó, liên minh đối lập chính của Syria đã nhiều lần bác bỏ khả năng đối thoại khi Tổng thống Assad vẫn còn nắm quyền.

Trong khi đó, quan chức ngoại giao Nga Mikhail Lebedev cho biết Tổng thống Syria đang phải chiến đấu với "những tên khủng bố" do Al-Qaeda hậu thuẫn, trong đó có 15.000 tay súng nước ngoài sẵn sàng chiếm đóng các thị trấn trên toàn quốc gia Trung Đông này nếu chính phủ rút quân. Phát biểu tại diễn đàn, ông Lebedev cho biết các phiến quân gần đây đã tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng của Syria, trong đó có cả các trường học và bệnh viện. Ông Lebedev kêu gọi tất cả các bên ở Syria ngừng bắn, không nên phóng đại tình hình và lập tức tiến hành một cuộc đối thoại chính trị toàn diện.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Tunisia - một nước đồng minh cũ và một nước láng giềng của Syria - cũng lên tiếng phản đối sự can thiệp của bất cứ nước nào ngoài Arập vào Syria, song tuyên bố sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Arập tại nước này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hy Lạp Stavros Dimas đã gặp các đại diện của phe đối lập ở Syria để thảo luận về một kết quả hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài một năm qua ở quốc gia này.

(Theo Reuters)

Tin xem nhiều