Theo một viện nghiên cứu của Thụy Điển, Trung Quốc giờ đây là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ sáu thế giới sau Mỹ, Nga, Đức, Pháp và Anh.
Theo một viện nghiên cứu của Thụy Điển, Trung Quốc giờ đây là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ sáu thế giới sau Mỹ, Nga, Đức, Pháp và Anh.
Ảnh: Wordpress |
Nhưng "trong khi lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đang gia tăng, thì phần lớn đó là kết quả của việc Pakistan nhập khẩu vũ khí nhiều hơn từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã không đạt được đột phá lớn trong bất kỳ thị trường quan trọng nào khác", báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) kết luận.
Theo báo cáo, Ấn Độ đã trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, thế chân Trung Quốc khi chiếm khoảng 10% lượng tiêu thụ vũ khí toàn cầu.
Trong 5 năm qua, Ấn Độ nhập khẩu các vũ khí lớn tăng 38% giai đoạn từ 2007 - 2011. Tính ở cấp độ khu vực, châu Á đã đứng đầu trong nhập khẩu vũ khí.
SIPRI nói, khá gần với Ấn Độ là Trung Quốc và Pakistan với lượng nhập khẩu vũ khí mỗi nước chiếm 5% doanh số toàn cầu. Pakistan đã nhận được "số lượng lớn máy bay chiến đấu trong giai đoạn này: 50 chiếc JF-17 từ Trung Quốc và 30 chiếc F-16 từ Mỹ", viện nghiên cứu của Thụy Điển nhấn mạnh.
SIPRI cho hay, Trung Quốc - nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới trong giai đoạn 2006-2007 giờ đây đã tụt xuống thứ 4 do sự cải tổ ngành công nghiệp vũ khí trong nước và gia tăng xuất khẩu vũ khí.
Ước tính, Ấn Độ có thể chi tiêu nhiều hơn 100 tỉ USD cho vũ khí và trang thiết bị quân sự trong 15 năm tới. Viện nghiên cứu đã đưa ra một số hợp đồng lớn gần đây của Ấn Độ như 126 máy bay chiến đấu, 120 Su-30MK và 16 chiếc MIG-29K từ Nga, 20 máy bay Jaguars từ Anh. Một số thỏa thuận khác gồm máy bay vận chuyển, tàu ngầm, tàu hải quân, xe tăng, vũ khí loại nhỏ và pháo.
Nghiên cứu của SIPRI cho thấy, trong 5 năm qua (2007-2011), lượng nhập khẩu vũ khí quân sự của châu Á và châu Đại Dương tăng 44%, trong khi con số này của châu Âu là 19%, Trung Đông là 17%, Bắc và Nam Mỹ là 11% và châu Phi 9%. Top 5 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới gồm Ấn Độ (10% toàn cầu), Hàn Quốc với 6%, Trung Quốc và Pakistan đều là 5% và Singapore là 4%.
(Theo onlinenews)