Căng thẳng kéo dài gần hai tháng qua với Philippines trên Biển Đông đã buộc Trung Quốc phải lựa chọn giải pháp dịu giọng với Nhật Bản cho dù Trung – Nhật cũng đang trong tình cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” trên biển Hoa Đông.
Căng thẳng kéo dài gần hai tháng qua với Philippines trên Biển Đông đã buộc Trung Quốc phải lựa chọn giải pháp dịu giọng với Nhật Bản cho dù Trung – Nhật cũng đang trong tình cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” trên biển Hoa Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Trí Quân (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Kenichiro Sasae. |
Ngày 11/6, giới chức cấp cao Nhật Bản và Trung Quốc đã tổ chức cuộc đối thoại chiến lược định kỳ để thảo luận thẳng thắn về các vấn đề song phương và khu vực.
Đây là cuộc đối thoại chiến lược lần thứ 13 giữa quan chức cấp cao hai nước với đại diện của phía Trung Quốc là Thứ trưởng Ngoại giao Trương Trí Quân, đại diện nước chủ nhà là người đồng cấp Kenichiro Sasae.
Kết thúc cuộc họp, hai bên nhất trí sẽ giải quyết vấn đề lãnh thổ cũng như các vấn đề nhạy cảm khác trong bầu không khí điềm tĩnh.
Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước tồn tại nhiều căng thẳng trong một số vấn đề, trong đó đáng chú ý là việc Trung Quốc phản đối chính phủ Nhật Bản cấp hộ chiếu cho thủ lĩnh người Duy Ngô Nhĩ Rebiya Kadeer đang sống lưu vong và mới đây nhất là kế hoạch của Thị trưởng Tokyo mua lại 3 hòn đảo lớn thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư (theo cách gọi tương ứng của Nhật Bản và Trung Quốc).
Tuy nhiên, do không thể cùng lúc đối đầu với cả Philippines và Nhật Bản nên Bắc Kinh đã lựa chọn giải pháp “đấu dịu” với Tokyo.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines ngày càng căng thẳng liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền đối với bãi đá cạn mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham, còn Philippines gọi là Scaborough.
Do vậy, sau cuộc đối thoại chiến lược định kỳ Trung-Nhật, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Trí Quân đã hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và nhất trí rằng hai nước cần phải làm việc để hướng tới phát triển ổn định quan hệ song phương bằng cách giải quyết thỏa đáng những vấn đề nhạy cảm.
Trước các cuộc gặp này, Trung Quốc hối thúc Nhật Bản ngừng “gây thêm rắc rối” ở đảo Điếu Ngư/Senkaku sau khi có tin cho biết hiện đang có khoảng 120 người, trong đó có 6 nghị sĩ Nhật Bản, đến thăm quần đảo này.
“Quần đảo Điếu Ngư và các đảo gần kề là phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ xưa. Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân phát biểu tại một cuộc họp báo.
Ông Lưu Vi Dân cho rằng "mọi hành động đơn phương của Nhật Bản liên quan đến quần đảo Điếu Ngư là phạm pháp và vô hiệu".
Hiện Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối chính thức cho phía Nhật Bản, yêu cầu Tokyo ngừng gây rối và thực hiện đúng vai trò của mình nhằm duy trì tổng quan mối quan hệ Trung – Nhật, đặc biệt khi năm nay hai nước kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.