Quốc gia Nam Á hôm nay lần thứ năm bắn thử tên lửa, tính từ sau khi nước láng giềng Ấn Độ thử nghiệm tên lửa Agni-V.
Quốc gia Nam Á hôm nay lần thứ năm bắn thử tên lửa, tính từ sau khi nước láng giềng Ấn Độ thử nghiệm tên lửa Agni-V.
Tên lửa Hatf VII trong một lần thử nghiệm trước đây. Ảnh: PPI |
Tên lửa hành trình Hatf VII có tầm bắn khoảng 700 km và có thể mang các đầu đạn thông thường, đồng thời có các khả năng tàng hình, AFP dẫn lời quân đội Pakistan.
Hatf VII được mô tả là loại tên lửa có khả năng bay theo địa hình ở tầm thấp với tính cơ động cao. Quân đội Pakistan cho hay tên lửa Hatf VII có độ chính xác tuyệt đối và các tính năng tránh radar của đối phương.
Cuộc thử nghiệm ngày hôm nay là lần thứ năm Pakistan bắn thử tên lửa có thể mang cả đầu đạn thường lẫn đầu đạn hạt nhân kể từ ngày 25/4.
Hôm 19/4, Ấn Độ bắn thử thành công tên lửa Agni-V có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng một tấn, với tầm bắn lên tới 5.000 km, tức là có thể vươn tới bất cứ đâu ở Trung Quốc. Sự kiện này giúp Ấn Độ đánh dấu một tiến bộ quan trọng trong khả năng quân sự của nước này.
Tên lửa Agni-V còn có thể bắn trúng các mục tiêu ở hầu khắp mọi nơi tại châu Á và một phần châu Âu. Các nước phản ứng ôn hòa sau diễn biến này. Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh và New Delhi là đối tác chứ không phải đối thủ, trong khi Mỹ kêu gọi các cường quốc hạt nhân kiềm chế.
Ấn Độ và Pakistan thường tiến hành những cuộc thử tên lửa, kể từ sau khi cả hai nước tuyên bố có khả năng vũ khí hạt nhân vào năm 1998. AFP dẫn một nghiên cứu mới được công bố cho hay hơn một tỷ người trên toàn cầu có thể rơi vào cảnh thiếu ăn nếu hai quốc gia Nam Á sử dụng các vũ khí hạt nhân. Thậm chí, ngay cả một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô hạn chế cũng khiến khí hậu trái đất bị ảnh hưởng nặng nề.
Cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao các chương trình sản xuất và thử nghiệm vũ khí của Pakistan bởi mối quan hệ không mấy êm ả giữa nước này và quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân là Ấn Độ. Kể từ năm 1947 đến nay, hai nước đã trải qua ba cuộc chiến.
Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng những ưu tiên chiến lược của Ấn Độ tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc, trong khi Islamabad vẫn quan tâm tới việc "chạy đua" với New Delhi.
Theo VnExpress