Báo Đồng Nai điện tử
En

EU tìm cách khôi phục lòng tin của giới đầu tư

10:10, 22/10/2012

Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục phải đối mặt với những vòng thương lượng khó khăn trong ít nhất 2 tháng tới, trước khi có thể củng cố được lòng tin của giới đầu tư, vốn bị sa sút nhiều do cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng euro (Eurozone) kéo dài gần 3 năm qua.

Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục phải đối mặt với những vòng thương lượng khó khăn trong ít nhất 2 tháng tới, trước khi có thể củng cố được lòng tin của giới đầu tư, vốn bị sa sút nhiều do cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng euro (Eurozone) kéo dài gần 3 năm qua.

Tổng thống Pháp Francois Hollande
Tổng thống Pháp Francois Hollande

Tổng thống Pháp Francois Hollande, tại Hội nghị thượng đỉnh mùa Thu EU diễn ra cuối tuần trước, tuyên bố có thể còn hơi sớm, song đã có một "bước ngoặt" mới sau khi EU đạt được thỏa thuận về việc thành lập liên minh ngân hàng, hay còn gọi là Cơ chế giám sát chung (SSM) nhằm phối hợp với Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) giúp các nước thành viên Eurozone thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông Hollande nhấn mạnh: "Chúng ta đang đi đúng quỹ đạo trong việc xử lý những khó khăn kéo dài quá lâu tại Eurozone", đồng thời khẳng định giai đoạn tồi tệ nhất đã lùi lại phía sau.

Tuy nhiên, theo ông Hollande, từ nay đến cuối năm 2012, các nước thành viên EU còn phải đạt được thỏa thuận về ngân sách chung trong vòng 7 năm tới, nhất trí về một liên minh tài chính chặt chẽ hơn với cơ chế giám sát nhiều hơn đối với ngân sách quốc gia và một ngân sách riêng rẽ cho Eurozone, cùng sự hỗ trợ nhiều hơn cho các nước thành viên Eurozone bị tổn thương.

Các nhà phân tích thì cho rằng EU cần thúc đẩy các cuộc thương lượng nhằm sớm đưa ra giải pháp giữ Hy Lạp trong Eurozone, vì theo dự đoán, nếu không chấp nhận các điều kiện của nhóm "bộ ba" chủ nợ là cắt giảm chi tiêu và cải cách cơ cấu để nhận được khoản giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro, Athens có thể rơi vào tình trạng phá sản trong tháng tới. Không những thế, EU có thể phải đối mặt với nhiều tháng bất ổn phía trước nữa vì hiện chưa rõ liệu Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư trong Eurozone vừa nhận được gói cứu trợ ngân hàng trị giá 100 tỷ euro từ các đối tác trong khu vực, có tránh được khả năng phải kêu gọi gói cứu trợ tổng thể hay không.

(Theo AFP)

Tin xem nhiều