Ngày 24/10, Trường đào tạo nhân viên và sỹ quan chỉ huy Hải quân Indonesia (SESKO AL) đã tổ chức hội thảo quốc tế “Chiến lược hàng hải mang tính hợp tác nhằm tăng cường an ninh và ổn định trên Biển Đông” tại thủ đô Jakarta.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Tham dự có lãnh đạo lực lượng quân đội Indonesia, Hải quân, Cảnh sát Quốc gia Indonesia (POLRI), các quan chức ngoại giao, tùy viên quốc phòng các nước tại Indonesia cùng các học giả về chính trị, quân sự đến từ Anh, Trung Quốc, Singapore và Indonesia.
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu và học giả tái khẳng định lập trường chung của các nước có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến Biển Đông cần đảm bảo an ninh, ổn định trên vùng biển này trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, thỏa thuận hiện hành như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); có các cách tiếp cận về chiến lược hàng hải một cách linh hoạt, toàn diện, phù hợp và manh tính xây dựng, từ xây dựng lòng tin, nỗ lực hợp tác xây dựng COC đến các hình thức hợp tác trong khuôn khổ DOC.
Các đại biểu nhấn mạnh tính khách quan và sự cần thiết có sự hiện diện và can dự của các cường quốc ngoài khu vực Đông Nam Á đối với vấn đề Biển Đông, trong đó có sự hiện diện thông qua các hình thức hợp tác, trao đổi về hải quân, hoặc phối hợp tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy các biện pháp ngoại giao giữa những nước có tranh chấp trên Biển Đông.
Các đại biểu dự hội thảo cũng khẳng định hiệu quả và sự cần thiết phải thúc đẩy các kênh song phương trong môi trường đa phương, từ đó đạt được các giải pháp cho vấn đề Biển Đông mà tất cả các bên đều chấp nhận được.
Trong tham luận tại hội thảo, giáo sư, tiến sỹ Hasjim Djalal, chuyên gia cao cấp về ngoại giao và quân sự, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia, đã lý giải tính phức tạp của các tranh chấp trên Biển Đông từ góc độ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và quyền lợi kinh tế.
Giáo sư khẳng định rằng để có được bước tiến chung trong việc xử lý các tranh chấp và đảm bảo quyền lợi chung, các bên liên quan phải triệt để tôn trọng UNCLOS 1982, thể hiện thái độ kiềm chế, hợp tác có trách nhiệm, đồng thời phải phát huy được vai trò “điều phối hỗ trợ” của các bên thứ ba không có tranh chấp và các kênh hội thảo chuyên gia.
Ông nhấn mạnh các vấn đề tranh chấp về cơ bản không chỉ đơn giản là tranh chấp song phương nên việc “xử lý về tài phán” cần và có thể được thực hiện thông qua các toà án quốc tế.
Trong khi đó, giáo sư Geoffrey Till từ Đại học King, London, Anh nhấn mạnh xu thế các nước trong khu vực tăng cường tiềm lực hải quân, trong khi theo đuổi các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề.
Theo ông, điều quan trọng là các nước cần có chiến lược hải quân phù hợp, rõ ràng, có trách nhiệm và cân bằng giữa lợi ích quốc gia và khu vực.
Tiến sỹ Nong Hong, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Luật Biển (Trung Quốc) thừa nhận và đánh giá cao sự cần thiết của việc tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và thúc đẩy bước tiến từ DOC tới COC giữa các bên liên quan, đồng thời phát huy vai trò của các cuộc hội thảo kết hợp chính giới và học giả về Biển Đông./.
(TTXVN)