Ngày 25/10, trang mạng WikiLeaks bắt đầu công bố hơn 100 tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, mô tả chi tiết các chính sách của quân đội nước này về việc giam giữ tù nhân trong các nhà tù tại Iraq và Vịnh Guantanamo vào thời điểm sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ 11/9/2001.
Bên trong nhà tù của Mỹ tại Guantanamo (Ảnh: AFP) |
Trong thông báo ra cùng ngày, WikiLeaks đã chỉ trích những quy định mập mờ mà trang web này cho rằng dẫn đến hành động tra tấn, ngược đãi mà không bị trừng phạt.
WikiLeaks kêu gọi các nhà hoạt động nhân quyền sử dụng những tài liệu này để nghiên cứu cái gọi là các "chính sách không thể giải thích nổi."
Thông báo dẫn lời người sáng lập trang mạng WikiLeaks, ông Julian Assange nói rằng những chính sách giam cầm của quân đội càng cho thấy sự tàn bạo của Mỹ đối với tù nhân trong các nhà tù tối tăm, nơi mà luật pháp và quyền con người không được tôn trọng.
Nó lại càng chứng tỏ sự thái quá của những ngày đầu của một cuộc chiến chống lại những kẻ thù giấu mặt và làm thế nào các chính sách này có thể được thông qua và triển khai.
Trang mạng WikiLeaks cho biết một số trong những tài liệu sắp công khai có liên quan đến việc thẩm vấn tù nhân, thậm chí cả những hành động bạo lực tra tấn thể xác trực tiếp vốn bị luật pháp nghiêm cấm.
Trước đó, năm 2005, trang mạng này đã từng cung cấp một tài liệu tương tự về những "Chính sách phân công tù nhân theo số sêri".
Tài liệu này liên quan đến việc một số tù nhân nằm trong danh sách theo dõi của một số cơ quan khác của Chính phủ Mỹ "biến mất" một cách bí hiểm, thậm chí tên của họ bị đưa ra khỏi hồ sơ của quân đội Mỹ.
Sau khi mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda của trùm khủng bố Osama Bin Laden thực hiện các vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ, trong đó có tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở thành phố New York làm gần 3.000 người thiệt mạng, chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush đã lập một trại giam tại Căn cứ hải quân của Mỹ tại Vịnh Guantanamo ở Cuba và giam giữ các nghi can khủng bố.
Trong số gần 800 người bị giam giữ tại đây, tính đến giữa tháng 9/2012 vẫn còn 167 người chưa được trả tự do./.
(TTXVN)