Báo Đồng Nai điện tử
En

Phản ứng sau khi phe đối lập Syria thành lập liên minh mới

04:11, 13/11/2012

Ngày 12/11, sau khi các nhóm đối lập Syria thỏa thuận thành lập "Liên minh các lực lượng dân tộc đối lập và cách mạng Syria" và bầu người đứng đầu là ông Moaz al-Khatib, Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) là tổ chức đầu tiên công nhận liên minh này, coi đó là đại diện hợp pháp của người dân Syria.

Ngày 12/11, sau khi các nhóm đối lập Syria thỏa thuận thành lập "Liên minh các lực lượng dân tộc đối lập và cách mạng Syria" và bầu người đứng đầu là ông Moaz al-Khatib, Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) là tổ chức đầu tiên công nhận liên minh này, coi đó là đại diện hợp pháp của người dân Syria.

Hãng thông tấn Saudi Arabia dẫn một tuyên bố của Tổng thư ký GCC Abdul Latif al-Zayani cho biết GCC sẽ cung cấp các hỗ trợ và giúp đỡ liên minh đối lập nói trên nhằm giúp nhân dân Syria đạt được ý nguyện.
[links(left)]
Ông cũng bày tỏ hy vọng việc công nhận liên mình này là một bước giúp thúc đẩy chuyển giao quyền lực nhanh chóng, chấm dứt tình trạng bạo lực làm thiệt mạng người dân vô tội, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và tổ chức một cuộc đối thoại dân tộc để mở đường cho việc thành lập một nhà nước pháp trị. GCC gồm 6 nước vùng Vịnh là Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Oman.

Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) là tổ chức đầu tiên công nhận liên minh của phe đối lập là đại diện hợp pháp của Syria. Trong ảnh: Toàn cảnh cuộc họp của GCC tại Cairo, Ai Cập, ngày 12/11. Ảnh: THX/TTXVN


Cùng ngày, Liên đoàn Arập (AL) cũng lên tiếng công nhận liên minh mới của phe đối lập Syria là "đại diện cho ý nguyện của người dân Syria", đồng thời hối thúc các nhóm đối lập khác gia nhập liên minh này để quy tụ tất cả các thành phần dân tộc Syria. Sau cuộc họp tại thủ đô Cairo của Ai Cập, các Ngoại trưởng Arập ra thông cáo công nhận liên minh mới của phe đối lập Syria "là đại diện hợp pháp và đối thoại chính với AL".

Tại một hội nghị của Hội đồng Nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Prague (CH Séc), Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhận định việc phe đối lập Syria thành lập liên minh mới là "một bước tiến quan trọng". Ông cho rằng có thể giải quyết tình hình ở Syria bằng một giải pháp chính trị và NATO sẽ không can thiệp vào Syria như đã làm tại Lybia. Tuy nhiên, ông cho biết NATO sẽ bảo vệ nước thành viên Thổ Nhĩ Kỳ trước các vụ tấn công từ nước láng giềng Syria.

Các vụ giao tranh ở khu vực biên giới Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ khiến Ankara phải tăng cường lực lượng bảo vệ biên giới và đã đề nghị NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot để phục vụ mục đích này.

Trong khi đó, tại Mátxcơva, Thứ trưởng Ngoại giao nga Gennady Gatilov nhấn mạnh: "Sự thống nhất của các lực lượng đối lập Syria sẽ hữu ích nếu giúp dẫn tới cuộc đối thoại chính trị với chính phủ". Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết Mátxcơva sẽ tiếp tục tiếp xúc với cả chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập Syria.

Ông Lukashevich nhấn mạnh "tiêu chí chủ chốt của Mátxcơva" là liên minh này phải luôn sẵn sàng hành động trên cơ sở một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Syria, không có sự can thiệp từ bên ngoài, thông qua đối thoại và thương lượng, đồng thời khẳng định lập trường của Nga coi "nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là chấm dứt đổ máu, bảo vệ tính mạng của người dân và xúc tiến quá trình chuyển tiếp chính trị".

Tại Bắc Kinh, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ đề cập liên minh mới của phe đối lập Syria, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết quan điểm của Bắc Kinh là các bên liên quan ở Syria cần phải thực thi kế hoạch hòa bình sáu điểm do cựu Đặc phái viên quốc tế Kofi Annan đề xuất, đồng thời thực thi các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và thông cáo của hội nghị ngoại trưởng Nhóm Hành động vì Syria tại Geneva nhằm chấm dứt giao tranh và bạo lực.

Một nhân vật đối lập nổi bật ở Syria, ông Luai Hussain, người đứng đầu Đảng Xây dựng Nhà nước Syria, đã bày tỏ phản đối thỏa thuận hợp nhất lực lượng của các nhóm đối lập lưu vong. Trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã, ông Hussain cho rằng liên minh đối lập mới sẽ không tồn tại lâu dài và cũng không giúp giải quyết được khủng hoảng. Theo ông, thỏa thuận nói trên chỉ làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng tại Syria, bởi vì "chỉ tìm cách tạo ra một cực mới đối đầu với chính quyền, chứ không đương đầu với tất cả các thách thức mà đất nước đang phải đối mặt".

Các nguồn tin cho biết liên minh đối lập mới thành lập chủ yếu là các nhóm đối lập lưu vong cùng một số nhân vật hoạt động trong nước và một số chỉ huy các nhóm chống đối. Liên minh này dự định thành lập một chính phủ lâm thời lưu vong và sẽ kêu gọi tổ chức một hội nghị dân tộc khi chính quyền hiện tại ở Syria bị lật đổ.

Theo ông Hussain, việc thành lập một chính phủ lưu vong sẽ là "xâm phạm quyền của người Syria tự quyết định vận mệnh của mình và lựa chọn lãnh đạo".

Ông Hussain cho biết đảng của ông sẽ kêu gọi dư luận Syria phản đối động thái trên, đồng thời nhấn mạnh chìa khóa giải quyết cuộc khủng hoảng dai dẳng hiện nay tại Syria là thúc đẩy một sự đồng thuận quốc tế để chấm dứt bạo lực, mở đường cho một tiến trình chính trị.

TTXVN

 

Tin xem nhiều