Ngày 2-12, Tòa án Hiến pháp tối cao (SCC) Ai Cập đã tuyên bố đình công vô thời hạn trong ngày mà SCC gọi là "một ngày đen tối" đối với hệ thống tư pháp sau khi những người biểu tình Hồi giáo phong tỏa trụ sở cơ quan này trước thời điểm dự định đưa ra một phán quyết quan trọng.
Biểu tình ủng hộ Tổng thống Morsi tại Cairo. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Ngày 2-12, Tòa án Hiến pháp tối cao (SCC) Ai Cập đã tuyên bố đình công vô thời hạn trong ngày mà SCC gọi là "một ngày đen tối" đối với hệ thống tư pháp sau khi những người biểu tình Hồi giáo phong tỏa trụ sở cơ quan này trước thời điểm dự định đưa ra một phán quyết quan trọng.
Hãng thông tấn nhà nước MENA dẫn một tuyên bố nêu rõ SCC thông báo sẽ "ngừng hoạt động trong một thời gian không xác định...cho đến khi không còn những sức ép nữa". Động thái này được xem là một sự leo thang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ai Cập khi hệ thống tư pháp đối đầu với Tổng thống Môhamét Mơxi (Mohamed Morsi), người tuần trước công bố sắc lệnh Tuyên bố Hiến pháp đầy tranh cãi.
Theo kế hoạch, SCC (gồm 19 thẩm phán) sẽ nhóm họp ngày 2-12 để xem xét tính hợp hiến của điều luật bầu cử Hội đồng Shura (Thượng viện) và việc lựa chọn các thành viên của Hội đồng Lập hiến. Tuy nhiên, các thẩm phán không thể vào được tòa án khi bị đám đông biểu tình ngăn cản. Những người biểu tình thuộc nhiều đảng phái và phong trào Hồi giáo này cũng yêu cầu cần giải tán SCC. Tình trạng đó buộc SCC phải tuyên bố hoãn phiên họp và sau đó là ngừng hoạt động vô thời hạn./.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập đang xoay quanh Tuyên bố Hiến pháp mà Tổng thống Mơxi mới công bố và bản dự thảo Hiến pháp. Ngày 1/12, phát biểu trước 85 thành viên Hội đồng Lập hiến, ông Mơxi thông báo Ai Cập sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp vào ngày 15/12 tới, đồng thời nhấn mạnh văn bản này là "một bước đột phá" và là "bản hiến pháp đầu tiên thực sự mang tính đại diện, bảo vệ các quyền, tự do và nhân phẩm của tất cả người dân Ai Cập".
(Theo TTXVN)