Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 30/11 đã kêu gọi tất cả các bên cần nỗ lực hơn nữa nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng và bạo lực kéo dài hơn 20 tháng qua tại Syria, đồng thời tích cực hợp tác, hỗ trợ đặc phái viên quốc tế hoàn thành sứ mệnh hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.
Toàn cảnh hội nghị Hội nghị lần thứ 5 các nhóm làm việc quốc tế về Syria tại Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Phát biểu tại phiên họp không chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết cuộc khủng hoảng tại Syria chỉ chấm dứt nếu tất cả các bên tích cực hợp tác và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng chung tay có những hành động thiết thực nhất.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng kêu gọi các bên cần hợp tác hơn nữa với Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) về Syria, ông Lakhdar Brahimi.
Theo ông Ban Ki-moon, nếu cộng đồng quốc tế cùng đồng thuận về một tiến trình hòa bình chung tại Syria, thì việc chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu tại quốc gia này là hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực.
Cùng ngày, ông Lakhdar Brahimi cũng đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có những hành động thiết thực về vấn đề Syria.
Theo ông Brahimi, mặc dù còn tồn tại nhiều bất đồng giữa 15 nước thành viên của Hội đồng Bảo an, song các bên cần phải đưa ra một giải pháp cuối cùng về cuộc khủng hoảng này, nếu không, quốc gia Syria sẽ sụp đổ và những hệ lụy sẽ liên quan tới không chỉ người dân Syria mà còn cả khu vực Trung Đông, cũng như tới an ninh và hòa bình quốc tế.
Theo đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và AL, giải pháp cho vấn đề Syria phải bao gồm một điều kiện tiên quyết là chấm dứt tất cả các hình thái bạo lực, theo đó cần có một hệ thống giám sát được lên kế hoạch chặt chẽ nhằm thúc đẩy các biện pháp hòa bình tại Syria.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, đại diện hơn 60 nước ủng hộ lực lượng đối lập tại Syria đã tiến hành họp ở Tokyo của Nhật Bản để kêu gọi áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo Tân Hoa xã, cuộc họp này do nhóm làm việc quốc tế "Những người bạn của Syria," Morocco, Nhật Bản và Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu, thuộc Liên minh châu Âu (EU) đồng chủ tọa.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp, nhóm hơn 60 nước này hoan nghênh việc thành lập Liên minh Dân tộc (của phe đối lập Syria) và kêu gọi các thành viên thuộc nhóm "Những người bạn của Syria" gia tăng trừng phạt đối với chính quyền Damascus.
Đây là lần thứ năm nhóm làm việc này tiến hành họp chung. Phiên họp đầu tiên được tổ chức hồi tháng Tư tại Paris, Pháp và mới đây nhất là tại Hague, Hà Lan hồi tháng Chín.
Trong bối cảnh mạng Internet và viễn thông bị cắt đứt ngày thứ hai liên tiếp, giao tranh tại thủ đô Damascus của Syria vẫn tiếp tục có những diễn biến căng thẳng.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở tại Anh), ngày 30/11, tuyến đường nối Damascus và sân bay quốc tế ở thủ đô đã được mở cửa và hoạt động hàng không đã được nối lại, sau một ngày bị phong tỏa khi quân chính phủ đẩy mạnh tấn công lực lượng chống đối và xảy ra vụ một xe buýt chở các nhân viên của sân bay trúng phải đạn pháo, làm hai người thiệt mạng.
Trong khi đó, các máy bay chiến đấu của quân đội chính phủ Syria đã tiến hành oanh kích vào các cứ điểm chủ chốt của phe chống đối ở thị trấn phía Đông Bắc Irbin và phía Nam Damascus.
Theo một nguồn tin quân sự, quân chính phủ đã giành quyền kiểm soát phần phía Tây của tuyến đường dẫn tới sân bay và một khu vực nhỏ ở phía Đông.
SOHR cho biết các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng chống đối đã cướp đi sinh mạng của 81 người, trong đó riêng tại thủ đô Damascus là 16 dân thường.
Theo ước tính, cuộc khủng hoảng tại Syria đã khiến 460.000 người phải chạy tị nạn sang các nước láng giềng và hơn 2,5 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo./.