Các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc đã nhất trí về trọng tâm trong bản dự thảo nghị quyết nhằm buộc Syria từ bỏ vũ khí hóa học.
Phái đoàn thanh sát viên của Liên hợp quốc tại Syria. (Nguồn: Reuters) |
Các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc đã nhất trí về trọng tâm trong bản dự thảo nghị quyết nhằm buộc Syria từ bỏ vũ khí hóa học.
Theo các nguồn tin ngoại giao phương Tây, thỏa thuận trên đạt được sau khi ngoại trưởng của 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 25/9 bên lề khóa họp lần thứ 68 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, đang diễn ra tại New York.
Tuy nhiên, phía Nga cho biết các nước cần tiếp tục thảo luận để tìm tiếng nói chung nhiều nội dung quan trọng của dự thảo nghị quyết liên quan tới Syria này.
Tại cuộc gặp, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã hối thúc các cường quốc vượt qua những bất đồng sâu sắc trong cuộc khủng hoảng Syria để nhanh chóng thống nhất lập trường tiến tới triển khai các giải pháp.
Ngoài ra, các bên cũng trao đổi quan điểm về thời gian cũng như các khía cạnh khác của hội nghị hòa bình Syria, có thể diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ).
[links(left)]Dự kiến dự thảo nghị quyết có thể sẽ sớm được trình lên toàn thể hội đồng và đại diện 5 nước ủy viên thường trực cũng sẽ gặp nhau vào ngày 27/9 tới để thảo luận về một hội nghị hòa bình Syria như đã đề xuất ở Geneva.
Nội dung dự thảo để ngỏ khả năng cân nhắc các biện pháp trừng phạt Syria theo Chương VII trong Hiến chương Liên hợp quốc nếu chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không tuân thủ kế hoạch tiêu hủy vũ khí hóa học của Nga và Mỹ.
Trong khi đó, phái đoàn thanh sát viên của Liên hợp quốc đã tới Syria để tìm bằng chứng về các vụ tấn công bằng khí độc. Theo chương trình, các thanh sát viên sẽ tới 14 địa điểm tại ngoại ô thủ đô Damacus bị cho là đã bị tấn công vũ khí hóa học.
Trước đó, báo cáo của phái đoàn trên khẳng định khí độc sarin đã được sử dụng trong vụ tấn công ở Đông Ghouta, gần thủ đô Damascus hôm 21/8. Tuy nhiên, các thanh sát viên nêu rõ báo cáo này chỉ mang tính tạm thời và cần xem xét các cáo buộc khác. Nhóm chuyên gia Liên hợp quốc hy vọng có thể đệ trình bản báo cáo cuối cùng làm sáng tỏ mọi các cáo buộc trên, "có khả năng vào cuối tháng 10 tới."
Trong một diễn biến liên quan, bên lề khóa họp lần thứ 68 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhiều nước đã cam kết tăng viện trợ nhân đạo cho Syria.
Ngày 25/9, Anh tuyên bố khoản viện trợ bổ sung trị giá 100 triệu bảng (tương đương 160 triệu USD), nâng tổng số viện trợ nhân đạo của nước này cho Syria lên hơn 500 triệu bảng.
Trước đó, Mỹ cũng thông báo gói viện trợ bổ sung 340 triệu USD, nâng tổng số viện trợ của Mỹ cho Syria lên hơn 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, Liên hợp quốc cảnh báo ngân sách cho hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Syria hiện vẫn thiếu trầm trọng vì hiện có hơn 2 triệu người dân nước này đang phải sống trong các trại tị nạn tại Liban, Jordan, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, trong khi 6 triệu người còn ở trong nước cũng hết sức khó khăn./.
(TTXVN)