Ông Barack Obama chiều qua có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani và đó là cuộc trao đổi đầu tiên giữa các lãnh đạo Mỹ - Iran sau hơn ba thập kỷ.
Ông Barack Obama chiều qua có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani và đó là cuộc trao đổi đầu tiên giữa các lãnh đạo Mỹ - Iran sau hơn ba thập kỷ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc điện đàm lịch sử với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP. |
Theo AFP, đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ và Iran kể từ năm 1979.
"Tôi vừa có cuộc nói chuyện điện thoại với Tổng thống Iran Hassan Rouhani", ông Obama cho biết trong một thông báo trên truyền hình chiều qua. "Hai chúng tôi đã thảo luận về những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận chung đối với chương trình hạt nhân của Iran".
Phía Iran cho biết tổng thống Rouhani nhận được cuộc gọi khi ông đang trên chiếc xe limousine ra sân bay. Cuộc nói chuyện giữa hai tổng thống phải thông qua phiên dịch viên vì ông Obama nói tiếng Anh còn ông Rouhani sử dụng tiếng Ba Tư, một ngôn ngữ của Iran. Tuy nhiên, trước khi kết thúc cuộc gọi, tổng thống Mỹ chủ động nói "khodahafez", lời chào tạm biệt bằng tiếng Ba Tư và ông Rouhani cũng trả lời "chúc tổng thống Mỹ một ngày tốt lành" bằng tiếng Anh.
Động lực cho cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước xuất phát từ phía Iran. Các quan chức Iran thông báo với quan chức Mỹ trong buổi sáng hôm qua rằng ông Rouhani muốn có cuộc nói chuyện với tổng thống Mỹ trước khi rời cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Trước đó, hai nhà lãnh đạo từng dự kiến có một cuộc gặp trực tiếp ở bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, tổng thống Iran cho rằng còn quá nhiều phức tạp để tiến hành cuộc gặp riêng như vậy vào thời điểm đó.
Washington và Israel đều từng cảnh báo về hành động quân sự nếu những nỗ lực ngoại giao đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran thất bại. Iran từ lâu đã khẳng định chương trình hạt nhân của mình là hòa bình. Mỹ và một số đồng minh không đồng ý và đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt gây khó khăn cho kinh tế Iran.
Cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Iran được xem là sự chuyển hướng đáng kinh ngạc mới nhất trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama, sau sự kiện Mỹ đồng ý với Nga thỏa thuận về việc phá hủy kho vũ khí hóa học ở Syria.
Theo VnExpress