Ngày 26/9, Trung Quốc tuyên bố hoạt động huấn luyện của các tàu và máy bay quân sự của nước này ở phía Tây Thái Bình Dương là hoạt động thông thường.
Ngày 26/9, Trung Quốc tuyên bố hoạt động huấn luyện của các tàu và máy bay quân sự của nước này ở phía Tây Thái Bình Dương là hoạt động thông thường.
Máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Ảnh: Eng.mod.gov.cn |
Trả lời họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Cảnh Nhạn Sinh cho biết: "Công tác huấn luyện của các tàu và máy bay quân sự Trung Quốc ở phía Tây Thái Bình Dương là thông thường và phù hợp với luật pháp cũng như thông lệ quốc tế. Không cần phản ứng quá mạnh mẽ trước những hoạt động hợp pháp của quân đội Trung Quốc, chỉ những ai có lý do không thể công khai mới có phản ứng như vậy".
Những bình luận của ông Cảnh Nhạn Sinh được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố các cơ sở giám sát mới trên đảo Iwo Jima, cách thủ đô Tokyo 1.200 km về phía Nam, để thu thập thông tin về hoạt động của Trung Quốc trên Thái Bình Dương.
Đề cập tới những bình luận của giới chức quốc phòng Nhật Bản về việc triển khai các lực lượng phòng vệ, ông Cảnh Nhạn Sinh đã hối thúc cộng đồng quốc tế cảnh giác trước các động thái đi trệch hướng hòa bình và phát triển, thách thức trật tự quốc tế thời hậu chiến cũng như ý đồ bành trướng quân sự và phô diễn lực lượng của Tokyo.
Liên quan tới những bình luận về máy bay không người lái của Trung Quốc, ông Cảnh nhấn mạnh rằng các máy bay quân sự nước này chưa từng xâm phạm không phận nước khác.
Cùng ngày, Trung Quốc một lần nữa bày tỏ lo ngại trước việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẵn sàng dỡ bỏ lệnh cấm do chính Tokyo đề ra về phòng thủ tập thể.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Tôi muốn chỉ ra rằng vì những lý do lịch sử, mục tiêu Nhật Bản đang hướng tới trong lĩnh vực an ninh-quân sự khiến các quốc gia láng giềng Châu Á và cộng đồng quốc tế chú ý".
Theo ông, Trung Quốc hy vọng "phía Nhật Bản sẽ lấy lịch sử làm tấm gương, rút ra các bài học lịch sử và có những hành động thiết thực đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực". Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh Nhật Bản "không nên gây căng thẳng và tăng cường đối đầu nhằm tạo cớ phát triển quân đội và điều chỉnh chính sách quân sự của mình".
Trước đó, trong một sự kiện do Viện Hudson chủ trì tại New York, Thủ tướng Abe hôm 25/9 cho biết ông sẽ "nỗ lực" tái xây dựng cấu trúc an ninh quốc gia của Nhật Bản và sửa đổi Hiến pháp hòa bình nhằm cho phép nước này thực hiện quyền phòng thủ tập thể và trở thành "một nước chủ động đóng góp cho hòa bình".
(Theo THX/Kyodo)