Vừa qua, Mỹ và Nga đã ký một thỏa thuận khung về việc bảo vệ, di dời và tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria. Tuy nhiên, theo nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ngày 30/9, các thanh sát viên vũ khí của Liên hợp quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi bắt đầu triển khai nhiệm vụ ở Syria.
Vừa qua, Mỹ và Nga đã ký một thỏa thuận khung về việc bảo vệ, di dời và tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria. Tuy nhiên, theo nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ngày 30/9, các thanh sát viên vũ khí của Liên hợp quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi bắt đầu triển khai nhiệm vụ ở Syria.
Trưởng phái đoàn thanh sát viên LHQ Ake Sellstrom (giữa) tới thủ đô Damascus ngày 25/9. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Giới chuyên gia IISS cho rằng tính xác thực và nội dung của các báo cáo mà Syria đệ trình ở bước khởi đầu có vai trò rất quan trọng, quyết định đến toàn bộ tiến trình giải trừ vũ khí hóa học sau này. Thực tế cho thấy bản kiểm kê ban đầu của Syria còn đầy đủ và chi tiết hơn cả mong đợi. Đó chắc chắn là một tín hiệu tích cực gửi đến các thanh sát viên quốc tế trước khi họ tới quốc gia Trung Đông này để thực thi nhiệm vụ. Hiện Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đang thẩm tra các thông tin này và so sánh với những tin tức tình báo do các nước thành viên như Mỹ, Nga cung cấp.
Cho đến thời điểm này, chưa xuất hiện hoài nghi nào liên quan đến những thông tin mà Syria đệ trình. Các thanh sát viên sẽ phải triển khai nhiều công việc như xem xét lại hồ sơ, thanh tra hoạt động sản xuất và nơi lưu giữ, phỏng vấn giới chức... Syria đã chấp nhận thỏa thuận khung giữa Mỹ và Nga, vì thế họ sẽ phải tuân thủ vô điều kiện những yêu cầu mà các thanh sát viên đưa ra. Thông tin phải được cung cấp nhanh nhất cho OPCW và các thanh sát viên được toàn quyền tiếp cận với bất cứ cá nhân, địa điểm hay cơ sở nào.
Không suôn sẻ
Tuy nhiên, quá trình giải trừ vũ khí hóa học ở Syria sẽ không diễn ra suôn sẻ. Thứ nhất, bài học về nỗ lực giải giáp Iraq và Lybia cho thấy việc tiêu hủy hoàn toàn kho vũ khí của một quốc gia trong một thời gian biểu nhất định là điều không tưởng. Dù Syria có cung cấp các thông tin chính xác thì cũng không thể tránh khỏi những thất thoát trong quá trình sản xuất, bảo quản và sử dụng kho vũ khí hóa học ở nước này thời gian qua. Vì vậy, cộng đồng quốc tế vẫn phải đối mặt với nguy cơ vũ khí hóa học có thể tiếp tục được sử dụng ở Syria. Trước thực tế này, Hội đồng Bảo an LHQ cần tính đến phương án không thể tiêu hủy hết vũ khí hóa học của Syria.
Thứ hai, cách thức thẩm tra, thanh sát và giải trừ phải được thống nhất rõ ràng với hiệu quả cao nhất, kín kẽ nhất. Điều quan trọng là các thanh sát viên OPCW sẽ được toàn quyền tiếp cận mọi cơ sở và cá nhân có liên quan đến chương trình vũ khí hóa học. Thỏa thuận khung giữa Mỹ và Nga không đề cập tới quyền tự do của các thanh sát viên khi đưa ra những yêu cầu được tiếp xúc và tiếp cận. Điều này đặt ra những thách thức đối với các thanh sát viên khi họ đến Syria để thực thi nhiệm vụ của mình.
Thứ ba, OPCW sẽ phải hợp tác với Syria, Nga và nhiều nước khác để quyết định cách thức tiêu hủy vũ khí hóa học. Theo ước tính của giới chuyên gia quốc tế, Syria hiện có khoảng 1.000 tấn vũ khí hóa học được cất giữ ở 45 địa điểm khác nhau. Một số nơi cất giữ vũ khí hóa học hiện không nằm trong quyền kiểm soát của chính phủ. Việc chuyên chở các loại khí độc cũng đặt ra bài toán khó đối với OPCW. Khí sarin không ổn định và khó cất giữ trong một thời gian dài. Cuối cùng, cuộc nội chiến vẫn kéo dài ở Syria sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thanh sát của OPCW. Các thanh sát viên quốc tế chưa từng hoạt động trong điều kiện khốc liệt như thế này. Thật khó có thể tiếp cận những địa điểm nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ hoặc nơi đang xảy ra giao tranh ác liệt.
Tuy nhiên, kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học của Syria không phải không có cơ hội để thành công. Điều này phụ thuộc vào khả năng các nước lớn tìm được tiếng nói chung trong những tính toán chiến lược và cách tiếp cận về chính sách của họ đối với vấn đề Syria.
BaoTintuc