Với việc hai đảng trong Thượng viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công và mở cửa chính phủ, 800.000 nhân viên công chức liên bang sẽ được đi làm trở lại đồng thời được truy lĩnh lương cho số ngày phải ngồi nhà.
Với việc hai đảng trong Thượng viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công và mở cửa chính phủ, 800.000 nhân viên công chức liên bang sẽ được đi làm trở lại đồng thời được truy lĩnh lương cho số ngày phải ngồi nhà.
Trước đó kể từ hôm 1/10, 800.000 nhân viên này đã phải nghỉ không lương do chính phủ không được quốc hội thông qua ngân sách cho năm tài khóa mới.
Tại một số Bộ, ngành như Cơ quan bảo vệ môi trường 95% nhân viên bị xem là “không thiết yếu” và buộc phải nghỉ ở nhà suốt hơn 2 tuần qua.
“Những nhân viên phải nghỉ không lương do hậu quả của sự chậm trễ trong phân bổ ngân sách bắt đầu vào khoảng ngày 1/10/2013 sẽ được bồi thường theo tỷ lệ bồi thường đã quy định cho thời gian chậm trễ”, một đoạn trong thỏa thuận được văn phòng của Thượng nghị sỹ Harry Reid, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện công bố xác nhận.
5 ngày sau thời điểm chính phủ đóng cửa một phần, Hạ viện Mỹ đã đồng thuận thông qua một đạo luật đảm bảo việc các nhân viên liên bang được truy lĩnh tiền lương. Đây là một trong những nỗ lực của cơ quan này nhằm khắc phục từng phần hậu quả của việc chính phủ đóng cửa.
Nhà Trắng đã nhiệt tình ủng hộ biện pháp này, mặc dù sau đó nó “mắc kẹt” tại Thượng viện. Nhưng cuối cùng, các lãnh đạo của Thượng viện cũng đã đạt được sự đồng thuận để đưa điều khoản trên vào thỏa thuận vừa được thông qua.
Bản thỏa thuận dài 35 trang, mang hai nội dung quan trọng nhất đó là cấp ngân sách cho chính phủ tới ngày 15/1/2014, và gia hạn quyền đi vay của chính phủ đến ngày 7/2/2014 đã được thông qua sau nhiều ngày thảo luận căng thẳng giữa lãnh đạo hai phe Dân chủ và Cộng hòa. Hiện bản thỏa thuận đã được chuyển cho Hạ viện để bỏ phiếu phê chuẩn.
Không lâu sau khi thỏa thuận được thông qua tại Thượng viện, Tổng thống Barack Obama khẳng định: “Phía trước chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm bao gồm việc giành lại niềm tin của người Mỹ”.
Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã lên tiếng ủng hộ thỏa thuận này khi khẳng định: “Việc ngăn chặn thỏa thuận lưỡng đảng đạt được tại Thượng viện không phải chiến thuật của chúng tôi”.
Theo AFP, BBC