Dù đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra về tác động trong phạm vi quốc gia cũng như toàn cầu nếu nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ, song mâu thuẫn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa xung quanh vấn đề nâng trần nợ công vẫn chưa được tháo gỡ.
Dù đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra về tác động trong phạm vi quốc gia cũng như toàn cầu nếu nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ, song mâu thuẫn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa xung quanh vấn đề nâng trần nợ công vẫn chưa được tháo gỡ. Nền kinh tế đầu tàu thế giới đang chông chênh bên bờ vực vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia này.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner (trước) sau cuộc họp của Hạ viện ở Washington, DC ngày 15-10. |
Kể từ khi chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động ngày 1-10 vừa qua, đã có rất nhiều nỗ lực nhằm khai thông bế tắc giữa hai đảng, song kết quả cuối cùng chỉ là hai chữ “thất bại” do hai đảng không chịu nhượng bộ lẫn nhau. Điều đó khiến mọi hoạt động của chính phủ bị tê liệt, kinh tế suy giảm nặng nề, hàng triệu người bỗng chốc mất việc làm, tâm lý suy sụp và thất vọng bao trùm trong giới đầu tư cũng như người dân.
Theo tính toán, hạn chót để nước Mỹ nâng trần nợ công là ngày 17-10, nhưng cho đến nay, mọi cuộc thương lượng vẫn giậm chân tại chỗ. Nếu mức trần nợ 16.700 tỷ USD không được nâng lên sau ngày này, nước Mỹ sẽ chỉ còn 30 tỷ USD trong ngân khố quốc gia, đồng nghĩa với việc nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ. Vỡ nợ không chỉ kéo lùi đà hồi phục chậm chạp của nền kinh tế số một thế giới, mà còn kéo theo vô số hệ lụy cho nền kinh tế toàn cầu.
Trong phát biểu bế mạc hội nghị thường niên giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cuối tuần qua, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cảnh báo rằng nước Mỹ đang tiến tới thời khắc “cực kỳ nguy hiểm”. Theo ông, nếu nước Mỹ không nâng được trần nợ công trước hạn chót thì đó có thể là thảm họa không chỉ đối với các nước đang phát triển, mà còn gây tổn hại lớn cho những nền kinh tế phát triển.
Trung Quốc và Nhật Bản, hiện đang nắm giữ 2.400 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, hiện đang đối mặt với những nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng của Washington. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho rằng nhiều chính trị gia Mỹ "có vẻ như không nhận thức được mức độ ảnh hưởng toàn cầu của cuộc khủng hoảng này". Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu cũng lên tiếng kêu gọi Mỹ, với tư cách là quốc gia phát hành đồng tiền dự trữ toàn cầu, “hành xử một cách thận trọng và có trách nhiệm”. |
Trên thực tế, cảnh báo của ông Jim Yong Kim cũng tương tự nhận định của Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde khi cho rằng nếu nước Mỹ không thể nâng trần nợ và mở cửa chính phủ trở lại thì hậu quả sẽ không khác gì cuộc khủng hoảng tài chính- kinh tế toàn cầu năm 2008. Vị thế của kinh tế Mỹ sẽ lại lâm nguy. Sự sụp đổ ở Mỹ sẽ kéo theo sự sụp đổ trên toàn thế giới và khi đó “chúng ta có nguy cơ rơi vào suy thoái một lần nữa”.
Các chuyên gia ước tính, kinh tế Mỹ bị thiệt hại hàng tỷ USD sau mỗi tuần đóng cửa. Thời gian đóng cửa càng dài, mức độ thiệt hại càng tăng và có thể khiến GDP sụt giảm tới 3% nếu ngừng hoạt động trong một tháng.
Mặc dù thời gian chính phủ đóng cửa đã bước sang tuần thứ ba, trong khi nguy cơ vỡ nợ đang cận kề, nhưng cả hai chính đảng ở Mỹ vẫn tỏ ra cứng rắn trong cuộc đối đầu không khoan nhượng. Trong diễn biến mới nhất trên nghị trường, các nghị sĩ hai bên vẫn tìm cách “đá quả bóng trách nhiệm” sang nhau và không bên nào tỏ dấu hiệu nhượng bộ trước.
Trên thực tế, cốt lõi của mọi vấn đề trên chính trường Mỹ hiện nay bắt nguồn từ cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa hai chính đảng mà vấn đề cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hay cải cách chăm sóc y tế chỉ là những hậu quả trực tiếp trước mắt.
Mâu thuẫn giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ luôn là vấn đề muôn thuở của nước Mỹ. Vì thế, chẳng có dự luật hay giải pháp nào được thông qua suôn sẻ nếu không có sự thỏa hiệp giữa đôi bên.
Thời hạn chót nâng trần nợ công đang đến gần và người dân Mỹ đang hy vọng vào kết quả của những nỗ lực cuối cùng.
(Theo TTXVN)