Chính phủ Brazil và Đức đang thúc đẩy để Liên hợp quốc tiến hành một cuộc điều tra đối với Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), về khả năng đã có những xâm phạm quyền riêng tư khi cơ quan tình báo này do thám cả ở trong và ngoài nước Mỹ.
Chính phủ Brazil và Đức đang thúc đẩy để Liên hợp quốc tiến hành một cuộc điều tra đối với Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), về khả năng đã có những xâm phạm quyền riêng tư khi cơ quan tình báo này do thám cả ở trong và ngoài nước Mỹ.
Theo hãng tin Bloomberg, các nhà ngoại giao của cả hai quốc gia này trong ngày 1/11 đã bắt đầu gửi đi một dự thảo nghị quyết, kêu gọi Cao ủy nhân quyền của Liên hợp quốc điều tra “việc bảo vệ quyền riêng tư, trong bối cảnh các hoạt động theo dõi thông tin liên lạc, thu thập dữ liệu cá nhân và can thiệp trên quy mô lớn cả ở trong nước và nước ngoài” của NSA.
Ngay từ tuần trước, Brazil và Đức đã bắt đầu làm việc về nội dung bản dự thảo, giữa lúc những sự giận dữ đang lan rộng sau khi báo giới tiết lộ NSA có thể đã theo dõi điện thoại di động của thủ tướng Đức Angela Merkel, và nghe trộm các thông tin liên lạc riêng của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff.
Thông tin về hoạt động theo dõi trên được công bố dựa trên tài liệu của cựu điệp viên CIA Edward Snowden, người vừa tuyên bố sẵn sàng ra điều trần trước quốc hội Đức. Bà Merkel cũng đã cử một nhóm các quan chức tình báo tới Nhà Trắng để “tái xây dựng niềm tin” với Mỹ.
Bản dự thảo nghị quyết sẽ được trình bày tại Ủy ban các vấn đề xã hội và nhân đạo của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tuần tới, một nhà ngoại giao Liên hợp quốc giấu tên cho biết.
“Hành động phù hợp nhất”
Các phái đoàn của Đức và Brazil đã có những cuộc họp với các quốc gia châu Âu và Mỹ La tinh khác, và đến nay nhận được sự quan tâm bước đầu tư Pháp, Cuba, Mexico và Venezuela về khả năng đồng bảo trợ cho nghị quyết này, một nhà ngoại giao Liên hợp quốc khác tiết lộ.
Trong vòng 2 năm tới, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc hàng năm cần phải trình một bản báo cáo “xác định và làm rõ các nguyên tắc, chuẩn mực và hành động phù hợp nhất về cách thức giải quyết các mối lo ngại về an ninh”, mà không vi phạm các luật pháp quốc tế về nhân quyền, cụ thể là việc theo dõi “các thông tin số và sử dụng các công nghệ tình báo khác”, bản dự thảo viết.
Mặc dù các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc không có tính ràng buộc, dự thảo của Brazil và Đức có thể tạo ra một diễn đàn cho hàng chục quốc gia bày tỏ sự không hài lòng với chương trình do thám của Mỹ.
Washington cũng đã nhận được bản dự thảo và sẽ đánh giá nội dụng của dự thảo này, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Cho đến nay, giới tình báo Mỹ vẫn một mực bảo vệ chương trình do thám của mình. Điều trần trước Ủy ban tình báo hạ viện mới đây, giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia James Clapper khẳng định các nước đồng minh cũng đã do thám các lãnh đạo của Mỹ, giống như cách Mỹ đã thu thập thông tin về họ.
Trong hôm qua Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thừa nhận một số chương trình do thám của Mỹ “đi quá xa”, và rằng ông và Tổng thống Obama đã được biết rằng một số hoạt động diễn ra “tự động”.
Theo Bloomberg