Báo cáo mới được công bố cho thấy, việc lạm dụng chương trình do thám trong Minaret giai đoạn chiến tranh Việt Nam vượt xa quy mô các chương trình trước đó. NSA thừa nhận, trong thời kì cao điểm, “Minaret” từng thu nhận hơn 150.000 cuộc điện thoại, đàm thoại/tháng.
Báo cáo mới được công bố cho thấy, việc lạm dụng chương trình do thám trong Minaret giai đoạn chiến tranh Việt Nam vượt xa quy mô các chương trình trước đó. NSA thừa nhận, trong thời kì cao điểm, “Minaret” từng thu nhận hơn 150.000 cuộc điện thoại, đàm thoại/tháng. Đáng chú ý, trong số này có tên 7 nhân vật nổi bật thuộc diện “chú ý đặc biệt” NSA.
Thượng nghị sĩ Frank Church. |
Nổi bật nhất trong số này là nhà hoạt động nhân quyền Luther King. Tên ông đã xuất hiện trong danh sách theo dõi của NSA từ năm 1967. Có hai lý do dẫn đến sự quan tâm đặc biệt của NSA nhằm vào Luther King. Cố vấn lâu năm của King - ông Stanley Levison, từng là thành viên đảng Cộng sản Mỹ. Quan trọng hơn Luther King là người chỉ trích mạnh mẽ cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. NSA liên tục theo dõi, nghe lén các cuộc điện thoại nước ngoài của nhà hoạt động nhân quyền này cho đến khi ông bị ám sát tại Memphis, Tennessee vào ngày 4/4/1968.
Nhân vật bị NSA theo dõi gây bất ngờ nhất là nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi Whitney Young, Giám đốc điều hành Liên đoàn đô thị Quốc gia. Young là người có quan hệ tốt với Tổng thống Johnson, thường xuyên được mời đến Nhà Trắng như là một thành viên của “nội các dân quyền” - một tổ chức không chính thức do chính Johnson đề xướng. Lúc đầu, Young không hề chỉ trích cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam và do đó không thuộc diện theo dõi của FBI. Tuy nhiên, đến tháng 9/1969, sau khi Nixon lên nắm quyền, Young công khai bày tỏ quan điểm phản chiến. Ngay sau đó, dưới tác động của FBI, Young bị NSA đưa vào danh sách theo dõi, dù hoạt động của ông chưa bao giờ bị cáo buộc là bất hợp pháp, hay là mang tính lật đổ.
Cũng giống như mục sư Luther King, huyền thoại quyền anh nhà nghề Muhammad Ali bị NSA theo dõi ngay từ năm 1967, cũng chỉ bởi vì lên tiếng phản đối can thiệp quân sự của Mỹ tại Việt Nam. Sau khi cải đạo sang Hồi giáo và giành danh hiệu vô địch năm 1964, Ali không ngần ngại bày tỏ quan điểm phản chiến. Năm 1967, ông chống lệnh nhập ngũ và bị kết án 5 năm tù, bị tước danh hiệu vô địch và bị cấm thi đấu. Năm 1971, tòa án tối cao Mỹ cuối cùng xóa bỏ các cáo trạng nhằm vào Ali, cho phép ông được tiếp tục theo đuổi quyền anh chuyên nghiệp. Nhưng tên ông thì vẫn nằm trong danh sách theo dõi của NSA cho đến khi Minaret bị hủy bỏ vào năm 1973.
Martin Luther King phát biểu tại đại học Minnesota phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. |
Có hai nhà báo bị liệt vào “danh sách đen” của NSA. Người đầu tiên là Tom Wicker, Trưởng đại diện tờ Thời báo New York tại Washington. Wicker được biết đến là một trong những nhà quan sát chính trị uyên thâm bậc nhất của Mỹ. Ông phụ trách chuyên mục tuần có tên gọi “bên trong nước Mỹ” vốn thường xuyên “chọc ngoáy” Johnson và Nixon vì không xử lý tốt cuộc chiến tại Việt Nam. Quan điểm phản chiến của Wicker thậm chí còn mạnh hơn sau khi Nixon nhậm chức năm 1969, buộc Nhà Trắng phải liệt ông vào “danh sách kẻ thù” và giao NSA theo dõi chặt chẽ.
Cùng với Wicker, nhà báo chuyên trang Art Buchwald của tờ Bưu điện Washington cũng bị NSA nghe lén. Nhiều khả năng FBI đã đề nghị NSA làm việc này, vì Buchwald thường có lối viết trào phúng, châm biếm chiến tranh của Mỹ Việt Nam. Ngay từ đầu năm 1966, Buchwald đã phụ trách chuyên mục về cuộc chiến này. Có lẽ vì lý do này mà tên của Buchwald đã xuất hiện trên danh sách của NSA.
Tuy nhiên, trường hợp gây sửng sốt nhất lại rơi vào Thượng nghị sĩ dân chủ Frank Church, bang Idaho - thành viên của Ủy ban đối ngoại Thượng viện, một người chỉ trích ôn hòa cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam và là một đồng minh trung thành của ông Johnson. Năm 1964, chính ông Church là người đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết về sự kiện Vịnh Bắc Bộ được Tổng thống sử dụng như là một cái cớ để chính thức cho phép triển khai quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Nhưng vài năm sau đó, Church thay đổi quan điểm, quay sang chỉ trích cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và quả quyết rằng Mỹ không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến này. Lời phê phán của Church làm Johnson bực tức, còn các quan chức Nhà Trắng quy chụp Church là người “vô trách nhiệm”. Ông Johnson thậm chí còn đi xa hơn, khi úp mở rằng Church và nhiều nghị sĩ tại Thượng viện là những người thuộc vòng ảnh hưởng của Moskva, do họ có mối quan hệ không chính thức với giới ngoại giao Liên Xô. Năm 1969, khi Nixon lên thay Johnson, Church thực sự trở thành người phản chiến nổi bật, tạo được ảnh hưởng đối với nhiều đồng nghiệp Dân chủ khác tại Thượng viện, kể cả một số nghị sĩ Cộng hòa.
Nhân vật nổi bật cuối cùng thuộc diện theo dõi của NSA là Thượng nghị sĩ Howard Baker, bang Tennessee - có mặt tại Thượng viện từ năm 1967 đến 1985, từng có một nhiệm kì làm thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện (1981 - 1985). Không giống Church, Baker là người nhiệt thành ủng hộ can thiệp của Mỹ tại Việt Nam. Ông từng lên tiếng chỉ trích chính quyền Johnson không đủ quyết tâm và dũng khí để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh Đông Dương, ủng hộ mạnh mẽ bước leo thang chiến tranh tiếp theo của chính quyền Nixon. Dường như chẳng có lý do gì để Baker thuộc diện cần “săn sóc” của NSA, ngoại trừ việc Nixon muốn biết ông Baker nói những gì về cá nhân tổng thống trong các cuộc hội đàm của giới thượng nghị sĩ.
Tài liệu giải mật của NSA không tiết lộ cơ quan này đã tiến hành bao nhiêu cuộc chặn thu điện thoại, điện tín nhằm vào 7 nhân vật trên, nhưng số lượng tính trong cả 6 năm chắc chắn là một con số không nhỏ. Điều đáng tiếc là ngoại trừ Ali và Baker, các nhân vật thuộc diện theo dõi của NSA đã không còn sống. King bị ám sát năm 1968, Young chết đuối năm 1971. Church, Buchwald, Wicker lần lượt qua đời vào các năm 1984, 2007 và 2011. Huyền thoại quyền anh Ali hiện sống trong cảnh không thể nói được vì chứng bệnh Parkinson quái ác. Baker giã từ nghiệp chính trị vào năm 1985, nhưng sau đó quay trở lại nắm chức Chánh văn phòng Nhà Trắng từ năm 1987 đến 1998, làm đại sứ Mỹ tại Nhật Bản giai đoạn 2001 - 2005. Ông hiện sống cùng vợ ở Tennessee (Mỹ).
BaoTinTuc