Ngày 22/11, Liên hợp quốc kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) giúp đỡ hàng nghìn người tị nạn Syria hiện đang sống trong tình trạng vô cùng tồi tệ tại Bulgaria, đất nước nghèo nhất EU.
Ngày 22/11, Liên hợp quốc kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) giúp đỡ hàng nghìn người tị nạn Syria hiện đang sống trong tình trạng vô cùng tồi tệ tại Bulgaria, đất nước nghèo nhất EU.
Trong chuyến thăm Sofia, Cao ủy Liên hợp quốc phụ trách về tị nạn Antonio Guterres kêu gọi các nước EU "mở cửa cho người tị nạn Syria" và nêu cao tinh thần đoàn kết bằng mọi hình thức nhất là khi Bulgaria có nguồn lực hạn hẹp lại nằm bên ngoài biên giới của EU.
Tại một trại tị nạn người Syria ở Bulgaria. (Nguồn: AP) |
Bulgaria hiện có 10.000 người nhập cư trái phép trong đó 60% là người Syria tới đây từ hồi đầu năm để chạy trốn các cuộc xung đột. Số lượng người tị nạn này đã vượt quá khả năng của Bulgaria.
Để những người tị nạn có chỗ tá túc, chính quyền địa phương đã phải chuyển trường học hay những túp lều bỏ hoang thành nơi ở. Thậm chí, Bulgaria dự định sẽ đóng cửa biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để hạn chế làn sóng nhập cư vào đất nước này.
Sự thất vọng
Những bức tường lở vữa, cửa ra vào hỏng, nhà vệ sinh cũ kỹ, ngôi trường này là nơi ở của nhiều người Kurde đến từ Syria trong đó phần lớn không biết nói tiến Arap. Ở đây không có lớp học tiếng Bulgaria, không có đồ chơi cho trẻ em.
Youssouf Kuka, 34 tuổi, làm nghề nấu ăn nói: "Chúng tôi đã từng nghĩ đây là châu Âu và rồi thất vọng. Chúng tôi sẽ sang Tây Âu ngay khi có thể."
Mỗi phòng học chứa khoảng 15 người. Mọi người phàn nàn vì thiếu chăn, phòng tắm cũ và đặc biệt họ không có thông tin gì về số phận của mình. Phía lối đi, hàng trăm phụ nữ và trẻ em ngồi dưới đất chắn lối và hô vang "Hộ chiếu, hộ chiếu."
Ralfa Gennan, một phụ nữ Syria than vãn: "Chúng tôi đợi từ 2 tháng nay rồi nhưng vẫn không thấy gì. Điều kiện sống quá nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ em."
Tin về cái chết của một thanh niên Syria, 32 tuổi, do nhồi máu cơ tim hôm 21/11 vừa qua tại một khu tị nạn ở Sofia càng reo rắc thêm mối lo lắng khiến những người nhập cư không giữ được bình tĩnh. Họ đã ném đá vào cảnh sát khiển một nhân viên bị thương.
Tờ nhật báo Troud ra buổi chiều ngày 22/11 cho biết chỉ trong vòng một tháng đã có 8 cuộc nổi dậy tại 5 trung tâm tị nạn. Tại Harmanli, trại tị nạn lớn nhất ở biên giới Bulgaria-Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19/11 vừa qua đã có khoảng 50 người biểu tình ngồi nhằm đòi được ở trong những chiếc xe thùng để tránh mùa đông giá rét.
Các tổ chức phi chính phủ cũng gióng lên hồi chuông báo động về cuộc sống của người tị nạn Syria ở Bulgaria. Tổ chức Amnesty international phê phán tình trạng "phi nhân đạo"đối với người tị nạn tại trại Harmanli khiến một số người tuyệt thực để phản đối
Tổ chức Bác sỹ không biên giới cũng cảnh báo về điều kiện sống tồi tệ tại tất cả các trung tâm dành cho người tị nạn và việc thiếu vắng sự chăm sóc y tế dành cho họ./.