Ngày 18/11, NASA đã phóng thành công tàu thăm dò không người lái MAVEN hướng tới sao Hỏa để nghiên cứu tầng khí quyển của hành tinh này, với mục tiêu tìm ra manh mối về sự biến mất của khí quyển và nước trên "hành tinh đỏ".
Ngày 18/11, NASA đã phóng thành công tàu thăm dò không người lái MAVEN hướng tới sao Hỏa để nghiên cứu tầng khí quyển của hành tinh này, với mục tiêu tìm ra manh mối về sự biến mất của khí quyển và nước trên “hành tinh đỏ”.
Theo hãng tin AFP, tên lửa Atlas V 401 mang theo thiết bị nghiên cứu sự biến động của khí quyển và hơi nước sao Hỏa (MAVEN) đã rời bệ phóng đúng lịch trình vào 18 giờ 28 phút GMT ngày 18/11.
“Mọi việc xem ra có vẻ tốt”, trung tâm kiểm soát của NASA cho biết.
Vụ phóng tàu thăm dò trị giá 671 triệu USD đã khởi đầu cho hành trình dài 10 tháng tới “hành tinh đỏ”.
Dự kiến đến tháng 9/2014 phi thuyền mới đến đích, nhưng phải hai tháng sau đó tàu thăm dò với những cánh gắn pin năng lượng mặt trời mới bắt đầu bay quanh quỹ đạo sao Hỏa.
Tàu thăm dò mới nhất này có nhiệm vụ khác với các chuyến thám hiểm trước đây của NASA, bởi trọng tâm sẽ không phải bề mặt khô của sao Hỏa mà là tìm hiểu những bí ẩn của thượng tầng khí quyển - vấn đề chưa từng được nghiên cứu.
Phần lớn thời gian trong sứ mệnh kéo dài 1 năm của mình, MAVEN sẽ bay quanh “hành tinh đỏ” ở độ cao 6000 km so với mặt đất. Tuy nhiên, cũng sẽ có 5 lần nó bay sâu vào khí quyển sao Hỏa với độ cao có lúc chỉ cách mặt đất 125 km, để đo đạc các số liệu ở nhiều tầng khác nhau.
Các nhà nghiên cứu đã miêu tả sứ mệnh này như một cuộc tìm kiếm mảnh ghép còn thiếu về những gì đã xảy ra trên khí quyển sao Hỏa, có lẽ hàng tỷ năm trước đây, vốn khiến người hàng xóm của Trái đất từ một hành tinh có nước và có thể thuận lợi cho sự sống, trở thành một hoang mạc khô cằn.
“MAVEN là tàu thăm dò đầu tiên dành riêng để khám phá và tìm hiểu về thượng tầng khí quyển của sao Hỏa”, NASA khẳng định. “Tàu thăm dò sẽ điều tra xem khí quyển của sao Hỏa biến mất vào không gian ra sao để xác định lịch sử của nước trên bề mặt của nó”.
Một trong ba công cụ khoa học của MAVEN là thiết bị đo gió mặt trời và tầng điện ly do phòng thí nghiệm khoa học không gian, đại học California tại Berkeley thiết kế.
Thiết bị thứ hai là một bộ cảm biến từ xa, do phòng thí nghiệm vật lý không gian và khí quyển, đại học Colorado thiết kế, nhằm xác định các đặc tính chung của thượng tầng khí quyền và tầng điện ly.
Thiết bị thứ ba là một quang phổ kế khối lượng ion và khí gas tự nhiên, do NASA phát triển.
“Với MAVEN, chúng ta sẽ khám phá một mảnh ghép lớn nhất chưa được khám phá của sao Hỏa”, trưởng nhóm điều tra của sứ mệnh, ông Bruce Jakosky khẳng định.
Theo AFP