Ngày 13/11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng áp đặt thêm các đòn trừng phạt mới đối với Iran lúc này có thể sẽ làm tổn hại tới nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để ngăn chặn chương trình hạt nhân gây tranh cãi nhiều thập kỷ qua của Tehran.
Ngày 13/11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng áp đặt thêm các đòn trừng phạt mới đối với Iran lúc này có thể sẽ làm tổn hại tới nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để ngăn chặn chương trình hạt nhân gây tranh cãi nhiều thập kỷ qua của Tehran.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trả lời phỏng vấn trước phiên điều trần tại Washington, DC. ngày 13/11. |
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Ngoại trưởng John Kerry với báo giới trước khi bước vào cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện cho biết, có một rủi ro thực sự là nếu Quốc hội Mỹ cứ xúc tiến kế hoạch bỏ phiếu thông qua các biện pháp siết chặt hơn nữa cấm vận Iran thì có thể sẽ phá vỡ niềm tin vào các cuộc đàm phán mà nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc) đang theo đuổi đối với Iran.
Hành động đơn phương này cũng có thể đẩy Iran tới chỗ phải ngừng đàm phán do bùng nổ tranh cãi trong nội bộ. Cũng theo ông Kerry, nhóm P5+1 đã có sự nhất trí chung về bản đề xuất chuyển cho phái đoàn Iran trong cuộc gặp từ 7-9/11 tại Geneva.
Vì thế, nếu giờ đây Quốc hội Mỹ quyết định áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới thì nó sẽ đẩy các thành viên nhóm P5+1 vào thế khó, khiến niềm tin sụt giảm và các đòn trừng phạt không phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Kerry vẫn bảo lưu quyền sử dụng các biện pháp trừng phạt nếu như giải pháp ngoại giao hiện nay không mang lại hiệu quả.
Phiên điều trần của Ngoại trưởng Kerry có cả sự tham gia của Phó Tổng thống Joe Biden, phản ánh nỗ lực chung của Nhà Trắng muốn thuyết phục các nghị sỹ Mỹ trao cho chính quyền Tổng thống Barack Obama và nhóm P5+1 có thêm thời gian theo đuổi các nỗ lực ngoại giao trong chương trình hạt nhân Iran.
Cả ông Kerry và ông Biden đều từng là các Thượng nghị sỹ. Trước đó một ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cũng đã đề nghị Quốc hội trì hoãn thông qua các biện pháp trừng phạt mới do lo ngại có thể kích động lực lượng theo đường lối cứng rắn ở Iran, những người vốn phản đối chủ trương đối thoại của tân Tổng thống Hassan Rouhani.
Ngày 13/11, Tổng thống Obama và người đồng cấp Pháp Francois Hollande cũng đã điện đàm bày tỏ quyết tâm thuyết phục Iran đưa ra cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân.
Thông báo của Nhà Trắng khẳng định Mỹ và Pháp hoàn toàn ủng hộ các đề xuất do nhóm P5+1 đưa ra trong vòng đàm phán tại Geneva vừa qua, đồng thời cho rằng đây một đề xuất "nghiêm túc, thực chất và đáng tin cậy."
Những lời đề nghị trên của Nhà Trắng được đưa ra sau khi một số nhà lập pháp Mỹ cho biết họ đang tìm cách thúc đẩy tăng cường trừng phạt Iran để ngăn chặn chính quyền Obama nhượng bộ quá nhiều trong việc đạt thỏa thuận hạt nhân với nhà nước Hồi giáo, gây tổn hại an ninh của đồng minh Israel.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Bob Menendez, cho biết ủy ban của ông đã có sẵn một gói trừng phạt mới, nhưng sẽ lắng nghe Ngoại trưởng Kerry thông báo những thông tin chi tiết về kết quả cuộc đàm phán vừa qua tại Geneva, cũng như nội dung gói đề nghị của nhóm P5+1 đã chuyển cho phía Iran.
Ngoài ra, các nghị sỹ Mỹ cũng muốn biết nội dung văn bản thỏa thuận cuối cùng mà nhóm P5+1 dự kiến sẽ ký kết với nhà nước Hồi giáo vì hiệu có nhiều người, thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, bày tỏ hoài nghi về những tuyên bố và cam kết của Iran.
Trong khi đó, phát biểu tại Quốc hội Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo một thỏa thuận không hiệu quả giữa các cường quốc thế giới với Iran về chương trình hạt nhân có thể sẽ dẫn tới chiến tranh.
Ông Netanyahu khẳng định việc tiếp tục gây sức ép lên nền kinh tế Iran là phương án tốt nhất để ngăn chặn mục tiêu chế tạo vũ khí hạt nhân của Tehran.
Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv còn dẫn lời Thủ tướng Netanyahu đánh giá đề xuất của phương Tây tại Geneva là một "ý tưởng tồi" vì sẽ tạo điều kiện cho Tehran có thêm các năng lực hạt nhân và trở thành một quốc gia hạt nhân, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng các vấn đề chiến lược Israel Yuval Steinitz ước tính gói nới lỏng trừng phạt sẽ "trực tiếp giúp Iran giảm thiệt hại từ 15 - 20 tỷ USD", đồng thời khiến việc thực thi các đòn trừng phạt khác trở nên khó khăn hơn.
Theo ông Steinitz, Israel tin rằng các biện pháp trừng phạt do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt từ năm ngoái khiến nền kinh tế Iran thiệt hại khoảng 100 tỷ USD/năm (gần 25% tổng thu nhập quốc dân của nước này).
Những cảnh báo trên của ông Netanyahu đã gây ra một cuộc khẩu chiến với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người cho rằng những chỉ trích của nhà lãnh đạo Israel là không đúng lúc và ông Netanyahu không biết rõ nội dung các cuộc đàm phán giữa P5+1 với Iran ở Geneva.
Cho đến nay, thông tin liên quan đến nội dung của gói đề xuất vẫn chưa được công bố. Một nhà ngoại giao xác nhận các bên đã quyết định giữ bí mật trong bối cảnh quan điểm của hai bên còn nhiều cách biệt.
Việc tiết lộ thông tin có thể gây mất lòng tin, khiến cho tiến trình đàm phán bị chệch hướng. Các quan chức trên cho rằng bất kỳ thông tin chi tiết nào liên quan đến thỏa thuận bị rò rỉ trong thời điểm quá sớm hiện nay đều là do chủ đích của những đối tượng muốn phá hỏng tiến trình đàm phán.
Tuy nhiên, một nguồn thạo tin đã tiết lộ với phóng viên Reuters rằng phương Tây đã đưa ra đề nghị tháo gỡ sức ép kinh tế tạm thời cho Iran, theo đó cho phép Iran trong vòng 6 tháng bán lượng dầu mỏ trị giá 3,5 tỷ USD, sản phẩm hóa dầu 2-3 tỷ USD và vàng 1-2 tỷ USD.
Nguồn tin trên chỉ trích đề xuất của phương Tây và tiết lộ thêm rằng nhóm P5+1 cũng đồng ý cho phép Iran nhập khẩu các mặt hàng cần thiết gồm thực phẩm và thuốc men với trị giá lần lượt là 7,5 và 5 tỷ USD.
Trong khi đó, thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban, Hassan Nasrallah, trong lần xuất hiện công khai hiếm hoi ngày 13/11 đã chỉ trích Israel đang muốn đẩy Trung Đông vào chiến tranh khi phản đối giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Iran.
Ông Nasrallah cảnh báo việc không đạt được thỏa thuận cho vấn đề hạt nhân Iran, một đồng minh của Hezbollah, sẽ "báo hiệu chiến tranh ở khu vực này".
TTXVN