Chính phủ Trung Quốc và một số nước châu Á phản ứng mạnh sau khi có cáo buộc cho rằng các sứ quán Mỹ và Australia đang được sử dụng làm các trung tâm thu thập dữ liệu mật.
Chính phủ Trung Quốc và một số nước châu Á phản ứng mạnh sau khi có cáo buộc cho rằng các sứ quán Mỹ và Australia đang được sử dụng làm các trung tâm thu thập dữ liệu mật.
Các cảnh sát bán quân sự tuần tra trước sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Ảnh: AP |
Theo AP, cáo buộc nghe lén xuất phát từ một tài liệu của cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden, được đăng tải trên tạp chí Đức Der Spiegel tuần này.
Tài liệu tiết lộ về một chương trình tình báo được gọi là "Stateroom", trong đó các sứ quán của Mỹ, Anh, Australia và Canada đã bí mật lắp đặt các thiết bị do thám để thu thập các liên lạc điện tử ở châu Á. Bốn nước kể trên cùng với New Zealand có một thỏa thuận chia sẻ tình báo được biết đến với cái tên "Five Eyes" (Năm con mắt).
Hãng truyền thông Fairfax ở Australia hôm nay chỉ ra các sứ quán của các nước trên có liên quan trong cáo buộc nghe lén, trong đó có sứ quán ở Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á. Hãng cho hay các cơ quan này đang được sử dụng để thu trộm các cuộc gọi điện thoại và dữ liệu Internet trên khắp châu Á.
Ngay sau khi có những thông tin trên, các nước có liên quan đã lập tức phản ứng mạnh mẽ.
"Trung Quốc vô cùng quan ngại về những thông tin này. Chúng tôi yêu cầu việc làm rõ và giải thích", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói.
Trong một thông cáo, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cũng tuyên bố chính phủ của ông "không thể chấp nhận và phản đối mạnh mẽ những thông tin về sự tồn tại của các thiết bị nghe lén tại sứ quán Mỹ ở Jakarta".
"Cần nhấn mạnh rằng, nếu thông tin này được xác nhận, thì hành động đó không chỉ là sự vi phạm an ninh mà còn vi phạm các tiêu chuẩn và đạo đức ngoại giao, và tất nhiên không phù hợp với tinh thần quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia", ông nói.
Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan, Paradorn Pattanathabutr, cho biết Bangkok đã tuyên bố với Mỹ rằng do thám là một hành vi phạm tội theo luật pháp nước này. Thái Lan sẽ không hợp tác nếu được yêu cầu giúp nghe trộm.
Theo tài liệu của Snowden, thiết bị do thám đặt ở các sứ quán được che giấu kỹ càng, trong đó có các ăng-ten "ở bên trong các khối kiến trúc hỏng hoặc các mái nhà".
Des Ball, một chuyên gia tình báo hàng đầu Australia, cho hay ông đã nhìn thấy các ăng-ten bí mật ở các sứ quán được nêu trên. Tuy nhiên, ông cho rằng tiết lộ của Der Spiegel không có gì đáng ngạc nhiên. Nhiều nước thường xuyên dùng các sứ quán làm căn cứ nghe lén điện thoại, và những báo cáo về hoạt động giám sát này đã được công khai hàng chục năm qua.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia từ chối bình luận về cáo buộc, trong khi Thủ tướng Tony Abott chỉ tuyên bố rằng chính phủ của ông không vi phạm bất kỳ điều luật nào.
Cáo buộc nghe lén mới nhất diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới bày tỏ sự phẫn nộ về chương trình do thám của Mỹ. Những thông tin về chương trình bí mật này lần lượt bị cựu nhân viên tình báo Snowden tiết lộ sau khi anh bỏ trốn ra nước ngoài.
Snowden hiện cư trú tạm thời tại Nga. Ông Lon Snowden, cha của anh, gần đây cho biết con trai sẽ tiếp tục ở lại Nga và phơi bày thêm nhiều bí mật.
Theo VnExpress