Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 18/11 cam kết Washington sẽ thay đổi chính sách theo hướng tìm kiếm các mối quan hệ bình đẳng với các nước khu vực Mỹ Latinh, thay vì sẵn sàng can thiệp như trước đây.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 18/11 cam kết Washington sẽ thay đổi chính sách theo hướng tìm kiếm các mối quan hệ bình đẳng với các nước khu vực Mỹ Latinh, thay vì sẵn sàng can thiệp như trước đây.
Ngoại trưởng John Kerry phát biểu tại trụ sở của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) ở thủ đô Washington rằng Mỹ "đoạn tuyệt với học thuyết Monroe" từng theo đuổi gần 200 năm qua để bước sang một kỷ nguyên mới mà trong đó nước Mỹ sẽ tìm kiếm và nuôi dưỡng các mối quan hệ bình đẳng, cùng chia sẻ trách nhiệm với các nước khu vực Mỹ Latinh. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ kêu gọi các nước trong khu vực hợp tác và đối thoại chặt chẽ để đối phó với những thách thức của thế kỷ 21.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cũng trong bài phát biểu, ông Kerry một mặt hoan nghênh những thay đổi đang diễn ra tại Cuba, nhưng mặt khác hối thúc La Habana cải cách mạnh mẽ hơn nữa "nếu không sẽ bị tụt hậu". Ông bày tỏ thông cảm với những "quan ngại" của các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh về những thông tin do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ nói về chương trình do thám bí mật của Mỹ đối với các nước trong khu vực, trong đó có Brazil và Mexico.
Ông Kerry đưa ra tuyên bố trên sau một thời gian dài bị các nước trong khu vực chỉ trích vì "trót" nói rằng "Tây bán cầu là sân sau của Mỹ" trong cuộc điều trần nhậm chức hồi đầu năm. Ngay sau phát biểu này của ông Kerry, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã quyết định trục xuất Cơ quan Cứu trợ Mỹ (USAID) khỏi quốc gia Nam Mỹ này.
Năm 1823, Tổng thống Mỹ khi đó là James Monroe đã đưa ra học thuyết Monroe, theo đó tự trao cho Mỹ quyền được can thiệp vào các nước "sân sau" ở Mỹ Latinh khi xét thấy việc đó là cần thiết để bảo vệ các lợi ích của Mỹ tại khu vực. Mục đích đưa ra học thuyết này chủ yếu nhằm chống lại sự ảnh hưởng của phương Tây ở khu vực Mỹ Latinh.
TTXVN