Sau khi hình thành cơ cấu chính quyền, những người làm đảo chính ở Thái Lan đã quyết định loại bỏ các nhân vật thân chính phủ trong lực lượng vũ trang và giải tán nốt Thượng viện nhằm củng cố quyền lực trước nguy cơ chống đối đang dần hình thành.
Sau khi hình thành cơ cấu chính quyền, những người làm đảo chính ở Thái Lan đã quyết định loại bỏ các nhân vật thân chính phủ trong lực lượng vũ trang và giải tán nốt Thượng viện nhằm củng cố quyền lực trước nguy cơ chống đối đang dần hình thành.
Binh sĩ Thái Lan đụng độ với người biểu tình trên đường phố tại thủ đô Bangkok ngày 25/5. AFP-TTXVN |
Việc giải tán Thượng viện sẽ đồng nghĩa với việc toàn bộ quyền lực lập pháp của Quốc hội sẽ nằm trong tay Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia do Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha làm tổng chỉ huy.
Hành động này của những người làm đảo chính được giải thích là nhằm thực thi các nhiệm vụ cần thiết trong thời điểm hiện nay. Nó cũng sẽ dẫn tới việc thành lập một Hội đồng lập pháp để thực thi nhiệm vụ của Quốc hội và soạn thảo bản Hiến pháp mới.
Tuy nhiên, động thái đáng chú ý nhất của chính quyền quân sự trong việc tăng cường quyền kiểm soát chính là việc loại bỏ những người bị coi là thân cận với chế độ Thaksin. Đó là Tư lệnh cảnh sát Adul Saengsingkaew, Giám đốc Cục điều tra đặc biệt Tarit Pengdith và Bí thư thường trực Bộ Quốc phòng Nipat Thonglek.
Tư lệnh cảnh sát quốc gia là người từng ngồi trước màn hình trong thời khắc tướng Prayuth tuyên bố đảo chính. Việc ba nhân vật này bị điều chuyển khỏi các vị trí chỉ huy được giải thích là nhằm duy trì sự ổn định trong hoàn cảnh hiện tại. Điều này không liên quan tới kết quả công tác cá nhân cũng như của cơ quan mà họ lãnh đạo.
Hiện tại, chính quyền quân sự đang phải đối mặt với sự phản đối đảo chính ngày càng gia tăng của người dân. Những ngày qua, số người biểu tình phản đối đảo chính ngày càng gia tăng bất chấp lệnh giới nghiêm tiếp tục được duy trì và số người phản đối bị bắt cũng ngày càng nhiều lên.
Trong ngày 25/5, có hàng nghìn người tập trung tại những giao lộ chính của Bangkok để phản đối đảo chính. Họ giơ biểu ngữ và hò hét chống đảo chính trong vòng vây của quân đội. Cũng đã xuất hiện những vụ tranh cãi lẻ tẻ giữa những người cổ vũ quân đội và những người phản đối đảo chính khiến tình hình rất rối loạn.
Cho tới thời điểm này, chính quyền quân sự đã giam giữ hơn 100 người trong số 155 chính khách mà họ triệu tập. Việc cầm giữ sẽ diễn ra trong vài ngày cho tới khi tình hình ổn định trở lại bất chấp hành động này bị nhiều tổ chức quốc tế lên án.
Chính quyền quân sự cũng đã thực hiện phong tỏa tài sản của hai bộ trưởng không chịu thực hiện lệnh triệu tập trình diện. Đó là Bộ trưởng Tư pháp, Chủ tịch đảng Vì Thái Lan Charupong Ruangsuwan và Bộ trưởng Giáo dục Chaturon Chaisaeng.
Truyền thông Thái Lan đưa tin quân đội vừa bắt hơn 20 thành viên bị coi là của phe áo đỏ và thu giữ một lượng lớn chất nổ và vũ khí tại Khon Kaen, một tỉnh là cửa ngõ đi vào miền Đông Bắc Thái Lan. Vụ việc này khiến cho người ta liên tưởng tới khả năng đang hình thành một phong trào chống đối đảo chính ở Thái Lan bất chấp việc các thủ lĩnh chủ chốt của phe áo đỏ vẫn đang bị chính quyền quân sự giam giữ cách ly.
Có thể còn quá sớm để dự báo về một khả năng đối đầu gần giống với những gì từng diễn ra hồi năm 2010. Nhưng có một điều chắc chắn là phe đỏ ủng hộ chính phủ cũ sẽ không dễ dàng chấp nhận cách giải quyết bế tắc chính trị kiểu này của quân đội.
Người tổng chỉ huy chính quyền quân sự hiện nay đã buộc phải thực hiện các biện pháp tập trung quyền lực để có thể tiếp tục điều khiển cuộc chơi. Tuy nhiên, việc điều hành đất nước bằng mệnh lệnh quân sự không phải là nhiệm vụ dễ thực thi./.
(VIETNAM+)