Tại Myanmar, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du ba quốc gia thành viên Hiệp hội các Nước Đông Nam Á (ASEAN), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker đã thảo luận với nhà lãnh đạo Myanmar về thúc đẩy đầu tư, tập trung vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và thương mại với quốc gia Đông Nam Á này.
Tại Myanmar, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du ba quốc gia thành viên Hiệp hội các Nước Đông Nam Á (ASEAN), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker đã thảo luận với nhà lãnh đạo Myanmar về thúc đẩy đầu tư, tập trung vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và thương mại với quốc gia Đông Nam Á này.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker. (Nguồn: AFP) |
Tin tức cho hay chuyến công du của bà Pritzker đến Việt Nam, Philippines và Myanmar chủ yếu tập trung vào các chủ đề kinh tế trong chính sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm tái cân bằng chiến lược tại châu Á.
Theo bà Pritzker, châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ trở thành nơi tập trung 54% tầng lớp trung lưu của thế giới và nhập khẩu gần 10.000 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ vào năm 2022, gấp đôi mức hiện nay. Đến năm 2020, 10 quốc gia thành viên ASEAN cần hơn 1.000 tỷ USD vốn đầu tư tầng để đáp ứng nhu cầu của dân số đang gia tăng.
Ông Alexander Feldman, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, cho biết chuyến thăm nhằm mục đích bày tỏ sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vào triển vọng phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Philippines. Đồng thời, chuyến thăm cũng mang thông điệp khẳng định lại cam kết lâu dài của các công ty Mỹ tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Khi ghé thăm Manila ngày 4/6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cho hay Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào ngoại giao, kinh tế và các nguồn tài nguyên chiến lược ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Hiện Mỹ cam kết thực hiện chính sách "điều chỉnh sự mất cân bằng và tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại châu Á."
Trong chuyến công du, bà Penny Pritzker tỏ ý lo ngại về các hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông gây căng thẳng trong khu vực, tác động bất lợi cho môi trường hoạt động kinh doanh. Bà Pritzker cho hay Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình, thương mại, tự do hàng hải và tự do hàng không và nước này ủng hộ các biện pháp ngoại giao và pháp lý nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Trong khi đó, Viện nghiên cứu chiến lược CSIS tại Washington (Mỹ) cho hay hoạt động thương mại của Mỹ với các đối tác ASEAN đang có những cải thiện mạnh mẽ, với kim ngạch song phương tăng 71% trong giai đoạn 2001-2012, từ 137 tỷ USD lên 234 tỷ USD./.
(TTXVN/VIETNAM+)