Báo Đồng Nai điện tử
En

Argentina phản đối việc bị khép tội "không chấp hành án"

10:09, 30/09/2014

Thẩm phán Mỹ Thomas Griesa ngày 29/9 tuyên bố Argentina phạm tội không chấp hành án sau khi không thực hiện phán quyết của ông về việc thanh toán cho các quỹ đầu tư đầu cơ trái phiếu nợ mà nước này chưa trả sau khi tuyên bố vỡ nợ năm 2001.

Thẩm phán Mỹ Thomas Griesa ngày 29/9 tuyên bố Argentina phạm tội không chấp hành án sau khi không thực hiện phán quyết của ông về việc thanh toán cho các quỹ đầu tư đầu cơ trái phiếu nợ mà nước này chưa trả sau khi tuyên bố vỡ nợ năm 2001.

Ông Griesa cũng cho biết luật mà Quốc hội Argentina mới thông qua về việc chuyển địa điểm trả nợ cho các trái chủ chấp nhận tái cơ cấu nợ về Argentina hoặc một địa khác nhằm “tránh” lệnh phong tỏa tiền trả nợ do vị thẩm phán này đưa ra là “bất hợp pháp.”

Ngoại trưởng Timerman khẳng định tuyên bố về việc Argentina phạm tội “không chấp hành án” vi phạm luật pháp quốc tế. (Nguồn: Télam)
Ngoại trưởng Timerman khẳng định tuyên bố về việc Argentina phạm tội “không chấp hành án” vi phạm luật pháp quốc tế. (Nguồn: Télam)

Ngay trước khi ông Griesa đưa ra phán quyết mới nhất trên, chính phủ Argentina đã gửi thư tới Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và tới vị thẩm phán này để phản đối các quỹ đầu tư đầu cơ đề nghị ông khép Argentina vào tội không chấp hành án.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Argentina Héctor Timerman khẳng định nếu chấp thuận yêu cầu của các quỹ “kền kền,” ông Griesa sẽ đi ngược lại các quy định cơ bản nhất của luật pháp quốc tế và sự chung sống hòa bình trên toàn cầu, vì Hiến chương Liên hợp quốc và Hiến chương của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) mà Argentina và Mỹ tham gia thừa nhận “sự bình đẳng chủ quyền của các quốc gia.”

Theo Bộ trưởng, việc tuyên bố Argentina phạm tội không chấp hành án không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn tạo ra một tiền lệ xấu.

Đối với Argentina, việc một thẩm phán địa phương tuyên bố một quốc gia phạm tội “không chấp hành án” là “hoàn toàn và tuyệt đối không thể hiểu được.” Nó chà đạp phẩm giá và chủ quyền của Buenos Aires.

Trong thư gửi Ngoại trưởng John Kerry, Đại sứ Argentina tại Washington Cecilia Nahón khẳng định Nhà nước Mỹ phải chịu trách nhiệm về những hành động của nhánh quyền lực tư pháp của mình.

Không chỉ yêu cầu khép tội không chấp hành án, các quỹ đầu cơ còn đề nghị thẩm phán Griesa phạt tiền 50.000 USD mỗi ngày cho tới khi Argentina thực hiện phán quyết. Tuy nhiên, ông Griesa chưa có quyết định về vấn đề này.

Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2001, bị coi là vụ vỡ nợ lớn nhất thế giới, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010. Những người chủ của 92,4% số trái phiếu đồng ý đáo nợ và nhận không đầy đủ giá trị thực của trái phiếu.

Trong số các chủ của 7,6% số trái phiếu còn lại, có một số quỹ đầu tư đầu cơ, đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management, đã kiện Argentina tại tòa án ở New York và thắng kiện đòi Buenos Aires thanh toán trái phiếu nợ theo giá trị trên trái phiếu, cùng tiền lãi và tiền phạt, tổng cộng khoảng 1,5 tỷ USD.

Các quỹ đầu cơ này bị gọi là các quỹ “kền kền,” vì mua trái phiếu của các nước bị vỡ nợ với giá rẻ mạt so với giá trị thực tại thị trường thứ cấp, sau đó từ chối tham gia tái cơ cấu nợ và thông qua kiện tụng tại tòa án đòi được thanh toán trái phiếu theo đúng mệnh giá, cùng tiền lãi và tiền phạt.

Mới đây thẩm phán Griesa đã phong tỏa 539 triệu USD được Buenos Aires chuyển vào tài khoản của Bank of New York Mellon (BoNY) từ cuối tháng Sáu để thanh toán khoản lãi tới hạn trả gần đây nhất cho các trái chủ đã chấp nhận đáo nợ.

Theo ông Griesa, Argentina phải trả toàn bộ tiền nợ cho các quỹ “kền kền” được phép thanh toán cho các chủ trái phiếu đã đồng ý tái cơ cấu nợ.

Argentina không thể thực hiện phán quyết này, vì nếu chấp nhận thanh toán nợ cho các quỹ “kền kền” theo đúng mệnh giá trái phiếu, Buenos Aires sẽ đối mặt với nguy cơ bị các chủ trái phiếu không tham gia tái cơ cấu nợ và các chủ đã chấp nhận đáo nợ kiện yêu cầu cũng được hưởng ưu đãi tương tự.

Trong trường hợp này, Argentina sẽ phải trả một số tiền khổng lồ có chuyên gia ước tính có thể lên tới 250 tỷ USD.

Nhằm tránh “tránh” lệnh phong tỏa tiền trả nợ của ông Griesa, chính phủ Argentina đã trình và được Quốc hội thông qua dự luật về việc chuyển địa điểm trả nợ về Argentina hoặc Pháp, nhằm bảo đảm quyền lợi của các chủ trái phiếu đã tham gia tái cơ cấu nợ.

Thực hiện luật trên, Buenos Aires sẽ trả tại Argentina khoảng 170 triệu USD khoản tiền lãi đến hạn ngày 30/9.

Vietnam+

Tin xem nhiều