Giới chức Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/9 thông báo Đại sứ của các nước thành viên EU quyết định giữ nguyên gói trừng phạt đang áp đặt đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.
Giới chức Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/9 thông báo Đại sứ của các nước thành viên EU quyết định giữ nguyên gói trừng phạt đang áp đặt đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phát biểu tại cuộc thảo luận về việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, một quan chức EU tuyên bố: "Chúng tôi vẫn giữ nguyên hiện trạng.''
Theo các quan chức EU, hiện còn quá sớm để bãi bỏ các lệnh trừng phạt này cho dù thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên đã được thiết lập hôm 5/9.
EU xem thỏa thuận này là bước tích cực đầu tiên tiến tới việc chấm dứt tình trạng xung đột kéo dài 5 tháng qua tại các tỉnh miền Đông Ukraine.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy cho biết các biện pháp trừng phạt Nga có thể được điều chỉnh, ngừng, thậm chí bãi bỏ hoàn toàn, phụ thuộc vào tình hình an ninh tại các tỉnh miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU cho rằng chưa thể có chuyện nới lỏng các lệnh trừng phạt Nga trong giai đoạn này.
Lệnh trừng phạt do Ủy ban châu Âu đề xuất và thông qua hôm 5/9 nhằm siết chặt thêm gói các biện pháp đã được EU thông qua cuối tháng Bảy nhằm vào các lĩnh vực dầu mỏ, quốc phòng và các công nghệ nhạy cảm của Nga.
Ngoài 5 ngân hàng công của Nga bị trừng phạt còn có các công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ và quốc phòng như Rosneft, Transneft và chi nhánh dầu mỏ của tập đoàn năng lượng Gazprom.
Tuy nhiên, chi nhánh khí đốt của Gazprom không nằm trong diện trừng phạt vì châu Âu đang phụ thuộc vào nguồn khí đốt do chi nhánh này cung cấp.
Những công ty và ngân hàng nằm trong diện trừng phạt sẽ không được huy động vốn tại thị trường châu Âu cũng như không được bán cổ phiếu trên thị trường EU.