Ngày 26/1, các nhóm đối lập tại Syria đã bắt đầu bốn ngày đàm phán tại thủ đô Moskva của Nga nhằm tìm kiếm các giải pháp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần bốn năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Ngày 26/1, các nhóm đối lập tại Syria đã bắt đầu bốn ngày đàm phán tại thủ đô Moskva của Nga nhằm tìm kiếm các giải pháp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần bốn năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Theo thông báo của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov, 25 đại diện các nhóm đối lập Syria đã tham gia vào cuộc họp kín diễn ra vào lúc 8 giờ 00 giờ GMT (tức 15 giờ 00 giờ Việt Nam). Tham gia cuộc thảo luận lần này chỉ có các đảng phái tại Syria và không có đại diện cộng đồng quốc tế.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov. (Nguồn ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo kế hoạch, giai đoạn một của quá trình đàm phán diễn ra từ ngày 26-27/1 sẽ dành cho các nhóm đối lập tại Syria, trong khi giai đoạn hai bắt đầu từ ngày 28-29/1 sẽ có sự tham gia của phái đoàn đại diện chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al Assad do ông Bashar Jaafari, đại diện thường trực của Syria tại Liên hợp quốc, làm trưởng đoàn.
Tuy nhiên, Liên minh Dân tộc (SNC), nhóm đối lập lưu vong lớn nhất tại Syria, đã quyết định tẩy chay không tham gia cuộc đàm phán lần này.
Trước đó, một nguồn tin từ Liên minh Dân tộc cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng nên diễn ra tại một quốc gia trung lập và dưới sự chứng kiến của Liên hợp quốc. Tuyên bố này được cho là nhằm ám chỉ việc Nga hiện là quốc gia hậu thuẫn lớn nhất cho chính quyền Tổng thống Assad.
Vai trò trung gian hòa giải của Nga được khởi động kể từ tháng Chín năm ngoái sau các chuyến thăm của Ngoại trưởng Syria Walid Muallem và nhân vật đối lập có nhiều ảnh hưởng Ahmad Moaz al-Khatib tới Moskva. Đến tháng 12/2014, chính quyền Syria và nhiều nhóm đối lập chủ chốt đã đồng ý tham gia đàm phán hòa bình dưới vai trò trung gian của Nga.
Trong cuộc gặp với phái đoàn Nga hồi đầu tháng này, Tổng thống Assad cũng đã bày tỏ ủng hộ đối với kế hoạch nói trên.
Mặc dù đang chịu nhiều sức ép từ cuộc khủng hoảng Ukraina, song Nga vẫn hy vọng dưới vai trò trung gian hòa giải của nước này, các phe phái chính trị tại Syria sẽ tìm được tiếng nói chung nhằm tiến tới chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người Syria và hàng triệu người khác phải sang tị nạn tại các nước láng giềng.