Ngày 26/1, ông Alexis Tsipras (40 tuổi) đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp, một ngày sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn diễn ra tại nước này.
Ngày 26/1, ông Alexis Tsipras (40 tuổi) đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp, một ngày sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn diễn ra tại nước này.
Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Phát biểu tại lễ nhậm chức ở thủ đô Athens trước sự chứng kiến của Tổng thống Karolos Papoulias, ông Tsipras cam kết sẽ nỗ lực hết sức vì lợi ích của người dân và đất nước Hy Lạp.
Trước đó, lãnh đạo đảng Syriza từng tuyên bố kể từ ngày 26/1 Hy Lạp ngừng chính sách khắc khổ mà đất nước thi hành 5 năm qua theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để đổi lấy chương trình cứu trợ kinh tế đồng thời, Athens sẽ đưa ra kế hoạch cải cách, đầu tư và khôi phục kinh tế của riêng mình.
Ông Tsipras cam kết kế hoạch trên sẽ không dẫn đến thâm hụt ngân sách nhà nước.
Kết quả cuộc bầu cử chính thức do Bộ Nội vụ Hy Lạp công bố ngày 26/1 đã xác nhận chiến thắng áp đảo của đảng Syriza trong cuộc tổng tuyển cử một ngày trước đó, theo đó đảng này đã giành chiến thắng vang dội với 36,37% số phiếu ủng hộ, tương đương 149/300 ghế trong Quốc hội Hy Lạp.
Kết quả trên vượt xa đảng Dân chủ Mới (ND) của Thủ tướng Antonis Samaras, chỉ giành được 27,8% phiếu, tương đương 76 ghế. Trong khi đó, đảng "Bình minh Vàng" và đảng Potami (Dòng sông) nhận được lần lượt là 6% và 6,3% số phiếu ủng hộ, tương đương 17 ghế; đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE) đứng thứ 5 với 5,5% số phiếu (15 ghế).
Tuy giành chiến thắng áp đảo, song đảng Syriza vẫn không giành được 151 ghế, quá bán tối thiểu trong quốc hội để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ mà buộc phải liên minh với một chính đảng khác.
Syriza đã liên minh với đảng Hy Lạp Độc lập (ANEL) có khuynh hướng bài chính sách kinh tế khắc khổ và kiểm soát 13 ghế quốc hội để thành lập chính phủ liên hiệp.
Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II, một đảng cánh tả lên cầm quyền tại Hy Lạp. Cuộc bầu cử được xem là "sự trừng phạt" đối với chính phủ của Thủ tướng Samaras, ủng hộ đường lối kinh tế "thắt lưng buộc bụng" hà khắc của bộ ba chủ nợ quốc tế (gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Liên minh châu Âu), vốn khiến người dân Hy Lạp vô cùng bất bình vì cuộc sống quá khổ sở của họ./.
Vietnam+