Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhu cầu vàng trên thế giới xuống thấp kỷ lục trong 6 năm qua

03:08, 19/08/2015

Tạp chí chuyên về kinh tế tài chính LaTribune của Pháp số ra mới đây có bài viết "Nhu cầu vàng trên thế giới xuống thấp kỷ lục" với nội dung xoay quanh việc nhu cầu toàn cầu đối với vàng từ tháng Tư đến tháng 6/2015 chỉ đạt 915 tấn, giảm 12% so với quý 2/2014.

Tạp chí chuyên về kinh tế tài chính LaTribune của Pháp số ra mới đây có bài viết “Nhu cầu vàng trên thế giới xuống thấp kỷ lục” với nội dung xoay quanh việc nhu cầu toàn cầu đối với vàng từ tháng Tư đến tháng 6/2015 chỉ đạt 915 tấn, giảm 12% so với quý 2/2014. 
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Mặc dù lượng cầu về vàng tại châu Âu có tăng, song về tổng thể lượng cầu về vàng trên toàn thế giới vẫn trên đà suy giảm và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Trong đó thị trường đồ trang sức đặc biệt bị ảnh hưởng do nhu cầu tại hai thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Độ xuống thấp. Nhu cầu ở lĩnh vực này đã giảm 14% xuống còn 513 tấn trong quý 2/2015, so với 595 tấn cùng kỳ năm 2014. Sự suy giảm nhu cầu vàng ở Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm 50% tổng lượng suy giảm toàn cầu về vàng. Lý do là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và số lượng đám cưới ở Ấn Độ sụt giảm.

Nhu cầu yếu đã góp phần kéo giá vàng xuống thấp. Trong tháng Bảy, giá vàng có lúc xuống đến 1.072,35 USD/ounce, mức thấp nhất trong hơn 5 năm, phá ngưỡng tâm lý 1.100 USD/ounce. Trong năm 2011, giá vàng đã tăng lên đến 1.900 USD/ounce.

Thời gian tới, chưa có thông tin hỗ trợ giá vàng trong khi các chỉ dấu đều nghiêng về khả năng giá vàng tiếp tục giảm. Sự giảm giá mạnh về vàng còn do sự tăng giá của đồng USD trước viễn cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương) có thể tăng lãi suất, nhiều đánh giá là tăng lên 0,35% trong năm 2015 và có thể tăng tiếp trong nửa đầu năm 2016. 

Nếu Fed nâng lãi suất thì giới đầu tư sẽ tăng nhu cầu đối với đồng USD khiến đồng tiền này tăng giá so với các ngoại tệ khác và gây áp lực giảm giá với các loại nguyên liệu đầu vào, nhất là các loại được định giá bằng USD. Trong khi đó, vàng vốn được định giá và giao dịch bằng USD nên giá vàng sẽ chịu sức ép giảm giá.

Việc Trung Quốc (ngày 17/7) thông báo dự trữ vàng của nước này đã đạt 1.658 tấn, tăng 60% so với lần công bố trước đó năm 2009, là một động thái có chủ ý của Bắc Kinh, khiến giới đầu tư đánh giá là Trung Quốc sẽ tạm ngừng tăng dự trữ vàng và làm giảm lượng cầu tạo áp lực giảm giá đối với vàng. 

Hơn nữa, Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế như khủng hoảng trên thị trường chứng khoán…, khiến giới đầu tư không loại trừ khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải bán bớt vàng để cứu thị trường chứng khoán, kịch bản cũng tương tự với giới đầu tư cá nhân Trung Quốc. 

Nga mấy năm gần đây cũng tăng dự trữ vàng nhưng nay đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế (suy thoái 4,6% trong vòng một năm qua, tình trạng thoái vốn…) nên không những nhu cầu về vàng của Nga cũng gần như không còn mà có thể Moskva cũng sẽ phải bán bớt vàng.

Các nền kinh tế lớn trên thế giới có những dấu hiệu phục hồi vững chắc hơn (trừ Trung Quốc), Hy Lạp và các chủ nợ đã đạt được thỏa thuận cho cuộc khủng hoảng nợ…, khiến vàng với quan niệm như một kênh đầu tư trú ẩn không còn giá trị lắm. Bởi lẽ, khi thị trường tương đối ổn định thì nhà đầu tư có xu hướng bán vàng lấy tiền đầu tư vì vàng không tự sinh ra lợi nhuận và giữ vàng cũng không được lãi suất. Đây cũng là lý do khiến giá vàng có xu hướng giảm.

Xét về yếu tố kỹ thuật, sau khi giá vàng đạt đỉnh 1.923 USD/once cuối năm 2011 thì từ đó đến nay giá kim loại này luôn có xu hướng đi xuống. Như vậy, thông thường, giá vàng sẽ phải đi tiếp chu kỳ đi xuống cho đến khi lập đáy, ổn định giá ở vùng đáy một thời gian rồi mới có thể đi lên, nếu có các yếu tố tạo giá đổi chiều. Và tiến trình này cần phải có thời gian trong khi các yếu tố kinh tế, chính trị phù hợp mà trước mắt chưa thấy hiện diện các yếu tố này./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều